Print Thứ Ba, 31/12/2019 09:15 Gốc

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì năm 2019 là một năm có nhiều “cơn gió thổi ngược” đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy vậy, so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam vẫn được nhìn nhận như là một điểm sáng với tốc độ tăng trưởng nhanh, trong khi Singapore, Thái Lan, Philippin thì bị chậm lại.

Với nỗ lực từ Chính phủ, Bộ, ngành trung ương đến các địa phương, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính, dự kiến tổng vốn FDI của cả nước trong năm 2019 là khoảng 18 tỷ USD.

Tại Hải Phòng, năm 2019 cũng là năm thứ 4 liên tiếp thực hiện chủ đề “Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách-Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”. Điều đó cho thấy quyết tâm của lãnh đạo của thành phố trong đổi mới quản lý, điều hành và thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài.

Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, tính đến ngày 13-12-2019, các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN,KKT) trên địa bàn thành phố thu hút 57 dự án FDI mới, 49 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn là hơn 1,2 triệu USD. Như vậy, luỹ kế đến thời điểm hiện tại có 366 dự án FDI đang hoạt động tại các KCN, KKT với tổng vốn đầu tư là hơn 14,7 triệu USD. Một con số “đáng nể” với nhiều tỉnh, thành phố.

Đối với đầu tư trong nước (DI) là 26 dự án mới, 15 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn thu hút là hơn 15.000 tỷ đồng. Hiện, tại các KCN, KKT có tổng cộng 162 dự án với tổng số vốn đầu tư là hơn 14.500 tỷ đồng.

Để có được kết quả trên, thời gian qua, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã nỗ lực trên nhiều “mặt trận”, từ kêu gọi các nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN, đến xúc tiến thương mại trong-ngoài nước, cải cách hành chính, đối thoại tháo gỡ vướng mắc, khó khăn…theo tinh thần, phương châm luôn đồng hành cùng nhà đầu tư.

Trong hai năm liên tiếp trở lại đây, lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế định kỳ tổ chức đối thoại, tiếp xúc với các nhà đầu tư 2 lần/năm để kịp thời phối hợp với các ban, ngành, địa phương giải quyết các kiến nghị cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại các KCN, KKT. Cởi mở, thẳng thắn, càng nhiều câu hỏi càng tốt là những cụm từ luôn được lãnh đạo Khu kinh tế nhắc đến tại các kỳ đối thoại. Cũng từ đây những vướng mắc trong mặt bằng, thuế, hải quan, lao động, giao thông, nhà ở cho công nhân… đã được các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài mạnh dạn đưa ra trao đổi tại các hội nghị.

Đại diện nhà đầu tư nêu ý kiến tại hội nghị.

Đơn cử, tại hội nghị đối thoại lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 5-2019, các nhà đầu tư có 13 kiến nghị thì ngay sau đó đã có 9 kiến nghị được giải quyết dứt điểm và chỉ còn 4 kiến nghị được trả lời trong hội nghị đối thoại, tiếp xúc cuối năm diễn ra vào cuối tháng 12 vừa qua.

Ông Phạm Văn Mợi-Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cũng là người chủ trì các cuộc đối thoại, tiếp xúc khẳng định: Những phần việc thuộc thẩm quyền của Ban quản lý thì lãnh đạo Ban chỉ đạo các bộ phận chuyên môn vào cuộc giải quyết dứt điểm, đến cùng cho nhà đầu tư. Còn những kiến nghị liên quan đến các sở, ngành, quận huyện thì lãnh đạo Ban cũng sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ để tìm giải pháp tháo gỡ cho nhà đầu tư.

Minh chứng là theo quy định pháp luật, Ban quản lý có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực: Đầu tư, thương mại-XNK, lao động, tài nguyên-môi trường và lĩnh vực xây dựng. Đến nay, Ban đã đơn giản hoá được 86% các quy định liên quan đến thủ tục hành chính, đặc biệt thời gian giải quyết các thủ tục hành chính giảm xấp xỉ 50%, từ 378 ngày xuống còn 193 ngày.

Đơn cử, đối với thủ tục cấp Giấy phép xây dựng, theo quy định thời gian cấp phép là 30 ngày làm việc, tuy nhiên khi chủ đầu tư nộp hồ sơ với đầy đủ các đầu mục thì sau đó, tối đa là 20 ngày, chủ đầu tư nhận được giấy phép. Tương tự với thủ tục cấp Giấy phép đầu tư, thời gian quy định là 15 ngày làm việc, song hồ sơ đúng, đủ thì chỉ từ 3-5 ngày là Ban quản lý tiến hành trao Giấy phép cho nhà đầu tư.

Ông Phạm Văn Mợi-Trưởng BQL Khu kinh tế giải đáp kiến nghị của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin  trong các hoạt động thường xuyên của Ban để giúp cho công tác điều hành được nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Cụ thể, trong lĩnh vực lao động, Ban đang thực hiện việc cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài qua hai hình thức là qua bộ phận Một cửa và qua mạng internet. Theo quy định thời hạn tối đa trong cấp giấy phép lao động là 7 ngày, song trên thực tế, nhận thấy hồ sơ đã đúng, đầy đủ, Ban cấp giấy chỉ từ 2-3 ngày.

Còn Giấy chấp thuận lao động cho người nước ngoài thì theo quy định là 15 ngày, song khi hồ sơ đầy đủ thì Ban chỉ giải quyết từ 3-5 ngày. Thậm chí, qua mạng thì thời gian giải quyết lại còn rút ngắn hơn do mọi thông tin được thực hiện quan email và tổ chức, cá nhân chỉ phải đến Ban một lần để nhận kết quả giải quyết. Cao điểm, để đáp ứng yêu cầu lao động nước ngoài tại các doanh nghiệp của Tập đoàn LG, VSIP…các cán bộ của Ban phải làm việc cả ngày nghỉ để đảm bảo giải quyết cho hàng trăm giấy phép lao động cũng chỉ trong vòng 3-5 ngày.

Được biết, ngày 23-12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với hơn 1.000 doanh nghiệp trên cả nước với phương châm thúc đẩy để doanh nghiệp phát triển, tiếp tục đóng góp cho đất nước. Thành phố Hải Phòng nói chung và Ban quản lý Khu kinh tế nói riêng đã và đang nỗ lực vì mục tiêu ấy!

Kim Oanh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng: Luôn đồng hành cùng nhà đầu tư!
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác