Print Thứ Hai, 06/11/2023 11:35 Gốc

Hiện nay, sinh viên đại học tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Phần lớn sinh viên xuất sắc vẫn phải đào tạo lại.

Sinh viên xuất sắc nhiều nhưng vẫn phải đào tạo lại

Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ngày càng nhiều nhưng khi đi làm thì vẫn phải đào tạo lại“, đây là thông tin đại tá Dương Xuân Phượng, Phó Giám đốc Học viện Viettel phát biểu tại Hội thảo Giáo dục đại học Việt Nam diễn ra chiều 5.11. Thông tin này đang nhận được sự quan tâm, bàn luận của sinh viên, trường đại học và giới chuyên gia.

The chia sẻ của ông Phượng, chương trình thực tập sinh tài năng Viettel Digital Talent từng nhận được 2.000 hồ sơ. Đây đều là các sinh viên xuất sắc nhưng đơn vị chỉ chọn được 100 ứng viên. Đơn vị đã tiến hành khảo sát kỹ hơn 100 người này và kết quả chỉ 2/3 đáp ứng được 75% công việc, 2% cho rằng kiến thức, kỹ năng của mình có thể đáp ứng 90% yêu cầu.

Theo ông Phượng bày tỏ băn khoăn khi có sự bất cập về công tác, đánh giá phân loại sinh viên tốt nghiệp, khi mà tỉ lệ khá, giỏi, xuất sắc của một số trường lên tới 99%.

Trong khi đó, rõ ràng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi, xuất sắc không tỉ lệ thuận với khả năng đáp ứng yêu cầu công việc.

Trước đây, nhiều sinh viên trung bình nhưng thực hành tốt, còn nay sinh viên xuất sắc nhưng chúng tôi cũng vẫn phải dạy lại nhiều“, ông Phượng nói.

Từ thực tiễn trên, ông Phượng đề nghị cần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo sát với thực tế doanh nghiệp, tức là đào tạo theo “tín hiệu thị trường“. Thay vì câu hỏi đến trường “học được kiến thức gì?”, thì cần câu hỏi là “học xong có thể làm được gì?”.

Để làm được điều này, các trường đại học phải rà soát, xem xét tiêu chí đánh giá sinh viên. Đồng thời, kiểm soát tỉ lệ giỏi, xuất sắc đúng thực chất.

Đại tá Dương Xuân Phượng, Phó Giám đốc Học viện Viettel, phát biểu tại Hội thảo Giáo dục đại học Việt Nam, chiều 5.11. Ảnh: VEC.

Doanh nghiệp chưa hài lòng về chất lượng sinh viên sau khi ra trường

Thẳng thắn nêu quan điểm về vấn đề trên, TS Thiều Huy Thuật và thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc (Phân viện Học viện Hành chính quốc gia khu vực Tây Nguyên) nhìn nhận, đa số doanh nghiệp chưa hài lòng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Tình trạng doanh nghiệp thiếu nhân sự nhưng khó tuyển người hoặc phải tốn thời gian, chi phí đào tạo lại nhân sự diễn ra khá phổ biến.

Theo báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam 2021, trong hơn 55.000 tân cử nhân công nghệ thông tin, chỉ khoảng 30% đáp ứng yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần.

Việc này dẫn đến lãng phí về nguồn nhân lực, tài chính và thời gian, làm chậm nhịp phát triển của xã hội“, TS Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá.

PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực lại cho rằng, doanh nghiệp cũng chưa tích cực tham gia đào tạo nhân lực với các trường.

Dẫn lại khảo sát được công bố tháng 6.2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Ngọc cho biết, 135 trường đại học đang hợp tác với hơn 6.120 doanh nghiệp, trung bình mỗi trường hợp tác với 60 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hoạt động liên kết chính là tiếp nhận sinh viên thực tập, kiến tập với tỉ lệ hơn 90%. Hoạt động hợp tác phổ biến thứ hai là trao học bổng, tổ chức ngày hội việc làm với gần 70% doanh nghiệp tham gia. Việc tham gia góp ý chương trình đào tạo, giảng dạy và thỉnh giảng tại các trường đại học chỉ có 30%, chủ yếu là chia sẻ kinh nghiệm. Trong khi đó, việc này là cần thiết để doanh nghiệp có nhân lực mà mình mong muốn.

Hai tác giả cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự chênh lệch giữa chất lượng giáo dục đại học so với yêu cầu của thị trường lao động. Trường đại học tập trung giáo dục, đào tạo những gì đang có, không chú trọng đúng mức đến những gì xã hội cần.

Việc nhiều trường đại học không chú trọng đào tạo kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà doanh nghiệp, xã hội cần là lý do khiến đa số sinh viên ra trường không đáp ứng được tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp, các tổ chức khác. Nguyên nhân là chất lượng đội ngũ giảng viên còn thấp. Năng lực của đội ngũ giảng viên đại học qua nhiều năm chưa được đánh giá cao. Thậm chí, đây vẫn là điểm yếu trong hệ thống giáo dục đại học.

Từ thực tế nêu trên, bà Ngọc cho rằng, doanh nghiệp cần cùng trường đại học xây dựng chương trình đào tạo; có chiến lược nuôi dưỡng tài năng bằng cách đầu tư cơ sở vật chất cho trường và chia sẻ thông tin tuyển dụng liên tục.

Vân Trang

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Băn khoăn tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc cao
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác