Chiều 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 với dự án Luật Nhà giáo. Nhiều đại biểu quan tâm đến các quy định về chính sách tiền lương, cơ chế ưu đãi đối với nhà giáo.
“Đặc thù thì được nhưng đặc quyền, đặc lợi thì không nên”
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay, sau khi được chỉnh lý, dự thảo luật giảm 26 điều so với dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 37 trước đó.
Trong đó, dự luật quy định một số nội dung về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo, được rà soát kỹ lưỡng để vừa đảm bảo có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.
Với các chính sách dự kiến quy định tại Luật Nhà giáo, sẽ làm phát sinh tăng ngân sách. Cụ thể theo báo cáo của Chính phủ, chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 1.068 tỷ đồng/tháng, tức hàng năm ngân sách phải bổ sung 12.816 tỷ đồng.
Trường hợp, quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, thì chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương khoảng 22 tỷ đồng/tháng, tức hàng năm ngân sách phải bổ sung 264 tỷ đồng.
Dự thảo luật cũng dự kiến có chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên. Nếu thực hiện chính sách này, ngân sách Nhà nước phải cấp chi trả thêm hơn 9.200 tỷ đồng.
Nêu ý kiến thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chia sẻ: “Nói thực tôi cũng là giáo viên, tôi có con đi học, dự thảo quy định rất nhân văn, miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong quá trình công tác là nhân văn“.
Tuy nhiên ông lại băn khoăn, quy định này có thể miễn học phí ở trường công lập chứ dân lập không ai miễn. Tuy nhiên nếu miễn học phí như vậy cũng nhạy cảm.
Vì vậy, theo ông Định, nội dung này cần quy định thế nào hoặc để cho Chính phủ quy định theo hướng đối với những nhà giáo có khó khăn thì có chính sách hỗ trợ, không ghi vào luật như dự luật được.
“Quy định chính sách ưu đãi thì được, chế độ đặc thù thì được nhưng đặc quyền, đặc lợi thì không nên“, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào?
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thường trực ủy ban này cơ bản đồng tình với quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp với nhà giáo.
Tuy nhiên, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị xác định rõ phạm vi, đối tượng thụ hưởng, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo, nhất là chính sách miễn học phí cho con của nhà giáo.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu việc miễn học phí cho con nhà giáo đang trong thời gian công tác chỉ áp dụng được trong các trường công lập, rất khó áp dụng với cơ sở tư thục. Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ.
Đồng thời đề nghị cần làm rõ các điều kiện đảm bảo cho các chính sách tiền lương, phụ cấp và chính sách hỗ trợ với nhà giáo.
Ông dẫn chứng, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ riêng chính sách miễn học phí cho con nhà giáo mỗi năm cần hơn 9.200 tỷ đồng.
“Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào để chúng ta bố trí chi hằng năm. Phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác“, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh đây là dự luật khó, phạm vi tác động lớn, nhiều nội dung phức tạp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan thận trọng, kỹ lưỡng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ ngành phải hết sức quan tâm.
Quỳnh Nguyễn
Sáng 22/12, tại Trường Liên cấp Anpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More