Print Thứ bảy, 26/01/2019 17:18

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, có hiệu lực thi hành từ ngày 21/6/2018.

Thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh

Nghị định gồm 7 Chương với 41 Điềuquy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân. Nghị định chỉ quy định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh, còn các cấp bộ, huyện, xã thì quy định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả. Nếu tỉnh nào chưa đủ điều kiện thành lập Trung tâm thì giao cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại cơ quan chuyên môn đó.

Thực tế hiện nay, các cơ quan từ trung ương đến địa phương đã tổ chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg, riêng cấp tỉnh có 18 tỉnh, thành phố thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh, có nơi thành lập trung tâm hành chính công cấp huyện. Vì vậy, theo Nghị định này, thì các địa phương đã tổ chức phải đổi tên gọi trung tâm hành chính công cấp tỉnh và tổ chức lại trung tâm hành chính công cấp huyện thành Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả.


Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại Văn phòng UBND thành phố Hải Phòng

3 phương thức tiếp nhận hồ sơ TTHC

Để việc giải quyết TTHC thống nhất theo một quy trình chung, bảo đảm các nguyên tắc của thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, chương III Nghị định quy định cụ thể phạm vi tiếp nhận TTHC tại Bộ phận Một cửa và quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết hoặc chuyển giải quyết TTHC, trả kết quả giải quyết TTHC, nộp phí, lệ phí và trách nhiệm của từng cơ quan trong quy trình.

Bộ phận Một cửa chịu trách nhiệm hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC và là đầu mối tiếp nhận hồ sơ TTHC theo cả 3 phương thức: trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính công ích và trực tuyến. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, Bộ phận Một cửa có trách nhiệm giải quyết theo phân công, ủy quyền hoặc chuyển về cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả kết quả giải quyết và thu phí, lệ phí. Tất cả các bước này đều phải được cập nhật thông tin vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử để bảo đảm theo dõi, giám sát toàn bộ quy trình.

Xây dựng tập trung, thống nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử

Văn phòng Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng và thống nhất quản lý Cổng Dịch vụ công quốc gia trên cơ sở tích hợp, trao đổi dữ liệu về TTHC, hồ sơ giải quyết TTHC với Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và tích hợp dịch vụ công trực tuyến với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.

Các bộ, ngành, UBND tỉnh được giao nhiệm vụ xây dựng tập trung, thống nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử để tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ ngành, của địa phương, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Khi tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC thì được cấp Mã số hồ sơ TTHC. Mã số hồ sơ TTHC do Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tự động, được sử dụng thống nhất trong hoạt động giao dịch giữa các cơ quan, đơn vị với tổ chức, cá nhân và giữa các cơ quan, đơn vị với nhau.

Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ TTHC, cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phân công cán bộ, công chức, viên chức xử lý xem xét, thẩm định hồ sơ, trình phê duyệt kết quả giải quyết TTHC.

Theo Văn phòng Chính phủ, Nghị định số 61/2018/NĐ-CP được xây dựng với mục đích nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC ở các cấp chính quyền từ trung ương đến cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC; tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất cho việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tất cả cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để theo dõi, giám sát, đánh giá, nhận xét tiến độ, chất lượng thi hành công vụ của công chức từ tiếp nhận, giải quyết, hoặc chuyển giải quyết đến trả kết quả giải quyết TTHC; quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc chỉ đạo, tổ chức, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, nhận xét về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Cổng TTĐT thành phố 02/05/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ban hành Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác