“Bách hóa” mạng
“Ưu đãi 20% + freeship cho mẫu ví với ngăn để điện thoại riêng tiện lợi, chất liệu da bò thật nhập Ấn Độ cả trong và ngoài ví”. “Mưa gió thế này, chỉ cần nhắn tin, chúng em sẽ ship các set lẩu Thái đến tận chân giường cho các mẹ đảm”. “Đầm xếp ly đính cúc siêu tôn dáng, sale (giảm giá) đến 70% khi đặt hàng hôm nay, chị em chú ý chỉ áp dụng khuyến mãi cho các đơn hàng hôm nay nhé”…
Chỉ cần lướt qua một vòng facebook, Zalo hay các trang web bán hàng, cả một thế giới hàng hóa siêu to, khổng lồ với những hình ảnh bắt mắt và những lời chào mời hấp dẫn ập vào có thể khiến mọi người choáng ngợp. Từ quần áo, giày dép, khăn tắm, giấy vệ sinh, hóa mỹ phẩm, bình hoa, ấm đun siêu tốc, móc quần áo, kem trộn trắng da, bảo hiểm hiểm nhân thọ… đến vàng bạc, kim cương, bột thông cống, thuốc diệt mối, gián, kiến, chuột, tăng cường sinh lý… Thôi thì đủ thứ thập cẩm đều được tung lên mạng rao bán một cách nhiệt tình và vô cùng hấp dẫn.
Từ khoảng 1 năm nay, “đi chợ mạng” đã trở thành thói quen của chị Vũ Hương Lan, ở Trung Lực, Hải An. Vốn là nhân viên văn phòng, vào thời gian rảnh rỗi, chị Lan thường lướt mạng facebook và Zalo. Từ việc thử mua một vài món có giá trị tiền nho nhỏ như nơ cài áo, kem đánh răng, sạc điện thoại… đến nay chị Lan đã trở thành nghiện chợ mạng. Hầu như ngày nào chị cũng dành vài tiếng lướt mạng để khảo giá và so sánh các mặt hàng. Và giờ đây, hầu như mọi vật dụng mua sắm cho bản thân, gia đình, thậm chí ông bà bên nội, ngoại đều được chị tiến hành giao dịch qua mạng.
Cũng là tín đồ mạng như chị Lan, lại chưa lập gia đình, công việc khá nhàn rỗi mà tiền xông xênh nên Hoàng Thị Minh Thu, ở ngõ 46 Lạch Tray thường lên mạng săn hàng hiệu. Từ những chiếc túi Furla giá 5-6 triệu đến những chiếc túi Gucci, LV trị giá đến 30-40 triệu, từ chiếc đồng hồ Movado giá 5-6 triệu đến những chiếc đồng hồ Versace có giá trị đến 20-30 triệu đồng. “Chơi có bạn, bán có phường”, Thu có cả một hội bạn chung sở thích thường xuyên thông tin, liên lạc để rò những trang web nước ngoài chạy chương trình giảm giá. Sau khi đã quyết, cô sẽ nhờ những tay buôn chuyên săn hàng nước ngoài đặt hàng. Chính nhờ vậy mà cô có thể sung sướng sở hữu những chiếc túi, ví, đồng hồ hàng hiệu xịn với giá chỉ từ 1/2-1/3 so với giá gốc.
Bán hàng online vào mùa
Mạng xã hội càng phát triển thì các giao dịch điện tử càng trở lên sôi động, thu hút lượng lớn khách hàng của các chợ truyền thống. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cộng với tháng Ngâu đang đến, bị bán hàng online giành thị phần quyết liệt khiến cho không ít chợ lớn có tiếng của thành phố như Chợ Ga, chợ Tam Bạc lâm vào cảnh đìu hiu. Vừa cắm cúi bóc hạt sen tươi, chị Thu Thủy – một chủ quầy vải chợ Ga cho biết – Hàng hóa dạo này ế ẩm quá, có ngày chả bán được mét vải nào.
Cũng trong tình cảnh tương tự là quầy bán đồ nội y của bác Hà – tiểu thương chợ Tam Bạc. Bác cho biết, tình trạng hàng hóa ế ẩm kéo dài khoảng 1, 2 năm nay. Nguyên nhân một phần không cạnh tranh được với các cửa hàng mặt tiền, một phần do bán hàng online hút khách quá lớn không sao lại được. Bác Hà cho biết, “cái khó ló cái khôn”, thấy hàng ế ấm, con gái bác xoay ra bán hàng live stream (trực tiếp) tại kho hàng của gia đình, chỉ mất khoảng 2-3 tiếng nhưng “đơn hàng gấp chục lần so với quầy hàng của mẹ bán cả ngày”.
Cũng nhờ bán hàng online mà Nguyễn Thị Vân, ở ngõ 282 Đà Nẵng, sống khỏe. Cô chuyên kinh doanh hàng tuyển quần áo second hand (quần áo cũ). Một tuần cô live stream khoảng 2,3 lần. Mỗi buổi bán hàng cô có thể “đi” được từ vài chục đến cả trăm đơn hàng. “Thu nhập vài chục triệu một tháng với nhà em giờ là chuyện bình thường. Nếu chỉ trông vào khách đến cửa hàng chọn mua thì chết đói mất. Bán hàng ra đơn ầm ẩm, chồng em làm ở công ty nước giải khát giờ nghỉ việc cùng với mẹ em hỗ trợ đóng đơn hàng và ship trong nội thành mới mới kịp”.
Không thể phủ nhận các tiện ích khi mua hàng qua mạng nhưng việc “đi chợ điện tử” cũng tiềm ẩn những yếu tố rủi ro đối với khách hàng. Đã có nhiều tiếng chuông cảnh báo tình trạng lừa đảo, lợi dụng sự tín nhiệm của người mua hàng để chiếm đoạt tài sản được gióng lên. Đó là các đối tượng thường yêu cầu đóng, đặt trước một khoản tiền hoặc toàn bộ giá trị hàng để mua điện thoại, máy tính, mỹ phẩm, quần áo, túi xách… Bọn chúng còn lập tài khoản trên những diễn đàn rao vặt, đăng thông tin có nội dung nhận đặt hàng gửi về từ nước ngoài, giá rẻ hơn nhiều so với hàng công ty; sau đó yêu cầu khách hàng có nhu cầu đóng trước một khoản tiền để đặt cọc và chờ ngày hàng về; khi số tiền đã đủ lớn thì xóa tài khoản, thông tin cá nhân và không thực hiện trả hàng như đã cam kết. Hoặc có trả hàng thì chất lượng sản phẩm so với ảnh mẫu quả đúng là một trời một vực.
Như vậy, giao dịch thương mại qua các trang mạng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro trong khi người tiêu dùng thường là người chịu thua thiệt trong khi các chế tài để quản lý và xử phạt hành vi gian lận thương mại vẫn còn nhiều chỗ chưa kín kẽ. Do đó, khi tham gia mua bán hàng trên mạng, người tiêu dùng cần thận trọng, cần tìm hiểu kỹ và chỉ nên giao dịch với các cửa hàng, công ty có uy tín, có nguồn gốc, thương hiệu rõ ràng. Đồng thời cần khảo giá, mô tả sản phẩm, qui cách đóng gói, chất lượng, chính sách bảo hành, đọc những phản hồi, ý kiến nhận xét của khách hàng hoặc hỏi người có kinh nghiệm. Khi quyết định mua hàng, bạn phải kiểm tra kĩ thông tin sản phẩm, chú ý so sánh giá sản phẩm, dịch vụ để tránh bị gặp trường hợp “thổi giá rồi giảm”.
Bùi Hạnh
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More