Chiều 24-4, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ lợn trên địa bàn Hải Phòng. Đồng chí Phạm Văn Lập – Giám đốc Sở chủ trì hội nghị; cùng dự có lãnh đạo một số Sở, ngành thành phố; lãnh đạo các huyện, quận có chăn nuôi lợn; lãnh đạo một số Cty, HTX, trang trại chăn nuôi lợn, cơ sở giết mổ lợn tập trung, cơ sở chế biến, kinh doanh thịt lợn và sản phẩm từ lợn.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Văn Lập phát biểu tại hội nghị
Dịch tả lợn Châu Phi phát sinh trên địa bàn thành phố từ ngày 22-2, đến ngày 23-4 đã xảy ra tại 8.780 hộ, ở 780 thôn, thuộc 136 xã, phường, trên địa bàn 10 huyện, quận.
Số lợn buộc phải tiêu hủy lên đến 73.891 con, chiếm 21,47% tổng đàn; trọng lượng 3.837.151 kg, gây thiệt hại cho ngân sách thành phố và các huyện, quận khoảng 197,8 tỷ đồng.
Cụ thể, chi phí hỗ trợ thiệt hại cho hộ chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy: 145,8 tỷ đồng; tiêu hủy lợn bệnh:17,7 tỷ và các chi phí chống dịch khác: 34,3 tỷ.
Đáng chú ý, từ ngày 5-4, trung bình mỗi ngày toàn thành phố phải tiêu hủy khoảng 200 tấn lợn, thiệt hại cho ngân sách: 10,3 tỷ đồng; nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo thống kê của ngàng nông nghiệp, tổng đàn lợn tại thời điểm trước dịch trên địa bàn thành phố là: 344.099 con (trang trại 87.843 con, gia trại 83.154 con, hộ chăn nuôi nhỏ 173.462 con); trong đó lợn nái, đực giống: 44.595 con, lợn thịt: 171.293 con, và lợn con các lứa tuổi 128.211 con. Số lượng lợn thịt đến thời điểm xuất bán hiện nay là 165.000 con đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Quang cảnh hội nghị
Thực tế chống dịch cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, một số dịa phương đã tiêu hủy gần 50% tổng đàn lợn (hầu hết toàn bộ đàn lợn nuôi gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ).
Do đó, Hải Phòng có nguy cơ phải tiếp tục tiêu hủy hơn trăm nghìn con lợn các loại, trong đó có 123.090 con lợn thịt đến thời điểm xuất bán (trọng lượng trung bình 100kg/con), gây tổn thất cho ngân sách thành phố khoảng 634,4 tỷ đồng.
Dịch lây lan trên diện rộng, tạo điều kiện cho vi rút gây bệnh lưu hành gây khó khăn rất lớn trong việc tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn sau dịch. Thêm vào đó, việc chôn hủy số lượng lớn lợn bệnh tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sống, đặc biệt ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe cộng đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, bàn giải pháp tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn thành phố, như: cơ chế chính sách hỗ trợ giá bán lợn cho các gia trại, hộ chăn nuôi có lợn thịt đến thời điểm xuất bán; hỗ trợ giá cho các cơ sở giết mổ, quầy kinh doanh có thu mua, tiêu thụ lợn thịt của các gia trại, hộ chăn nuôi; hỗ trợ kinh phí xét nghiệm bệnh dịch cho các gia trại, hộ có lợn xuất bán; kinh doanh, giết mổ và tiêu thụ thịt lợn an toàn dịch bệnh…
KC