Print Thứ Sáu, 27/09/2019 11:40

Lãnh đạo UBND Thành phố Hải Phòng vừa có “lệnh cấm” người lao động lưu trú trong khu, cụm công nghiệp sau khi phát hiện hành vi xây nhà tạm cho cán bộ, chuyên gia, người lao động nước ngoài lưu trú trái phép trong Khu công nghiệp An Dương. Sự việc này một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo công tác quản lý người lao động nước ngoài trên địa bàn thành phố…

Kẽ hở trong quản lý

Thời gian gần đây, Hải Phòng liên tiếp để xảy các vụ người lao động (NLĐ) nước ngoài vi phạm pháp luật, ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Vụ việc tại Khu công nghiệp An Dương (huyện An Dương, Hải Phòng) được phát hiện kịp thời khi chưa để xảy ra hậu quả nào nghiêm trọng. Tuy nhiên trước đó, tại Cty TNHH KaiYang Việt Nam (Q.Kiến An), toàn bộ cán bộ chủ chốt Cty bỏ trốn trong đêm để lại khoản nợ lương, BHXH, nợ ngân hàng lên tới hàng trăm tỉ đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống NLĐ, trật tự xã hội (Lao Động đã đưa tin).

Điều đáng nói, Cty TNHH KaiYang Việt Nam hoạt động trên địa bàn Q.Kiến An nhiều năm nay, có hơn 2.300 lao động làm việc nhưng những diễn biến liên quan tới doanh nghiệp chưa được chính quyền địa phương và các ngành quản lý nắm bắt kịp thời. Bởi lẽ, trong một thời gian không dài, doanh nghiệp này có tới 6 lần thay kế toán trưởng. Ngoài ra, doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội của công nhân từ tháng 5 đến tháng 8.2019 với số tiền 13 tỉ đồng; nợ kinh phí công đoàn và lương công nhân gần 20 tỉ đồng; nợ ngân hàng 150 tỉ đồng…

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hải Phòng Hoàng Đình Long, một số cán bộ công đoàn Cty là cán bộ hành chính, kế toán, nắm được tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH nhưng lại không báo cáo với công đoàn cấp trên và cơ quan chức năng để can thiệp kịp thời. Nên cả bộ máy quản lý người Đài Loan (Trung Quốc) “rút” đi trong đêm mà không hay biết.

Hay như vụ việc gần 400 người Trung Quốc tổ chức đánh bạc trong Khu đô thị OurCity (Q.Dương Kinh, Hải Phòng) bị công an triệt phá tháng 7 vừa qua. Trao đổi với báo Lao Động, lãnh đạo Q.Dương Kinh thừa nhận, địa phương không thể biết bên trong khu đô thị này lại có nhiều người Trung Quốc như vậy. Bởi lẽ, khu đô thị OurCity có 100% vốn đầu tư nước ngoài nên từ việc phê duyệt dự án, kiểm soát cấp phép, người ra người vào đều do cơ quan chức năng cấp thành phố quyết định, lãnh đạo quận muốn xuống kiểm tra cũng phải đặt lịch trước mới được vào.

Mâu thuẫn trong quy định

Theo thống kê của cơ quan chức năng thành phố, tính đến tháng 7.2019, có gần 7.000 người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn TP.Hải Phòng, tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm năm 2015. Hơn 261 doanh nghiệp, nhà thầu trong các khu công nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài, trong đó người Trung Quốc chiếm 50%, còn lại là Hàn Quốc và Nhật Bản…

Đáng chú ý, tình trạng người nước ngoài lao động “chui” dưới hình thức đi du lịch, sau đó ở lại làm việc không phép khá phổ biến. Chưa kể, một số quy định về quản lý lao động nước ngoài trong văn bản pháp luật còn mâu thuẫn. Cụ thể, Luật Lao động quy định giấy phép lao động cấp cho người nước ngoài có thời hạn không quá 2 năm nhưng Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài lại quy định thời hạn cấp thẻ tạm trú 5 năm. Điều này dẫn đến tình trạng NLĐ sử dụng chứng nhận tạm trú quá thời hạn mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép…

Trước những vụ việc trên, UBND TP.Hải Phòng có Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 9.8.2019 về việc phối hợp quản lý lao động nước ngoài. Trong đó, không cấp thị thực, thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú đối với lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn thành phố khi chưa được cấp giấy phép lao động… Tuy nhiên, bài toán quản lý lao động nước ngoài vẫn được xem là khá nhọc nhằn, nhất là khi thành phố đang trong quá trình mở rộng thu hút vốn đầu tư nước ngoài và công tác quản lý lao động nước ngoài lại “không phải của riêng ai”.

Mai Dung. Theo Báo Lao động

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bài toán khó trong việc quản lý lao động nước ngoài
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác