Xã hội

Bài dự thi viết “LÒNG TỐT QUANH TA”: Ông chủ xưởng mộc hết lòng giúp người

Sau 7 năm hoạt động, Câu lạc bộ Khát vọng cuộc sống do anh Nguyễn Hữu Hậu sáng lập có hơn 300 thành viên. Tổng số tiền câu lạc bộ vận động được và trao đi lên đến vài tỉ đồng.

Anh Nguyễn Hữu Hậu, sinh năm 1985, là người khuyết tật nhưng làm chủ một cơ sở đồ gỗ ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Cơ sở này đạt doanh thu bình quân trên 500 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho hơn 10 lao động, trong đó có nhiều người khuyết tật.

Phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba

Sinh ra trong một gia đình nghèo, Hậu kém may mắn hơn bạn bè đồng trang lứa khi cơ thể anh nhỏ bé, yếu ớt và chân đi chữ X. Đến năm Hậu 14 tuổi, sự nghiệt ngã lại ập đến. Cơ thể Hậu bị kéo gò; bắp chân, bắp tay co quắp và teo dần khiến anh không thể đi lại, mọi sinh hoạt phải nhờ bố mẹ bế hoặc cõng.

Bỗng dưng đôi chân không thể đi lại rồi những cơn đau khủng khiếp hành hạ mỗi ngày, tôi chỉ biết nằm khóc trước sự bất lực của bố mẹ. Tôi đành phải bỏ học giữa chừng. Thời gian đó thật đen tối, sự bi quan, mặc cảm giăng kín trong căn phòng tôi ở“, anh Hậu tâm sự.

Anh Nguyễn Hữu Hậu (ngoài cùng bên phải) cùng Câu lạc bộ Khát vọng cuộc sống trao tặng xe lăn cho người khuyết tật.

Đến năm 18 tuổi, 4 năm sau biến cố cuộc đời, Hậu quyết tâm tìm một nghề theo học để không trở thành gánh nặng cho bố mẹ. Lúc đó, anh có 3 sự lựa chọn: Nghề dán vàng mã, sửa chữa tivi và nghề mộc. Được sự giới thiệu của một bác hàng xóm, anh quyết theo học nghề điêu khắc mộc.

Lúc đó, bố mẹ khuyên Hậu: “Con nên tìm việc nhẹ nhàng, phù hợp với người khuyết tật. Con ốm yếu thế này làm nghề mộc không phù hợp“. Nhưng anh quả quyết: “Con cảm thấy yêu nghề mộc. Con tin mình sẽ làm được“. Anh tự nhủ: “Người bình thường phải nỗ lực bao nhiêu để có cơm no áo ấm thì người khuyết tật phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba“.

Anh Bùi Vượng, một người khuyết tật có nhiều năm gắn bó với anh Hậu, cảm kích: “Hậu đã giúp đỡ rất nhiệt tình để tôi có được nghề mộc. Sau khi mở xưởng riêng được một thời gian, tôi gặp khó khăn để phát triển công việc. Tôi lại tìm đến Hậu và được anh giới thiệu đi làm công ty. Giờ thì công việc của tôi đã đi vào ổn định“.

Anh Hậu đã mở thêm xưởng mộc tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Thời gian tới, anh sẽ tìm kiếm và đào tạo nghề cho người khuyết tật ở đây, đặc biệt là các bạn trẻ dân tộc thiểu số nhằm giúp họ có được sinh kế lâu dài.

Anh Nguyễn Hữu Hậu 4 lần nhận bằng khen của Trung ương Đoàn và Trung ương Hội LHTN Việt Nam. Năm 2020 và 2022, gia đình anh Nguyễn Hữu Hậu, chị Nguyễn Thị Lương là gia đình người khuyết tật tiêu biểu toàn quốc. Anh còn là 1 trong 50 thanh niên tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh trong chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt 2022”.

Hết lòng với người nghèo khó

Năm 2015, anh Hậu vận động bạn bè thành lập Câu lạc bộ (CLB) Khát vọng cuộc sống và được bầu làm chủ nhiệm. Từ 9 người ban đầu, đến nay CLB đã có hơn 300 thành viên. Mục tiêu của CLB là kết nối các bạn trẻ khuyết tật lại với nhau, chia sẻ và giúp đỡ họ tự tin hòa nhập; tổ chức các sự kiện thiện nguyện theo định kỳ nhân Ngày Bảo vệ, chăm sóc người tàn tật 18/4 hay Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12…

Anh Nguyễn Hữu Hậu tham gia tập huấn chính sách xác định mức độ khuyết tật, bảo trợ xã hội, đào tạo nghề cho người khuyết tật.

Mỗi năm, CLB tổ chức 3-5 chương trình thiện nguyện như “Trái tim đồng cảm“, “Chia sẻ yêu thương“; các chương trình giao lưu văn nghệ, tặng nạng, xe lăn, quà, hàng tấn quần áo cũ… cho gần 300 người khuyết tật. CLB còn tổ chức các chương trình tư vấn pháp luật giúp người khuyết tật hiểu thêm về chính sách đối với đối tượng này, được tiếp cận cơ hội việc làm và tham gia các mạng lưới hỗ trợ người khuyết tật rộng lớn hơn.

CLB Khát vọng cuộc sống đã mở rộng hoạt động thiện nguyện tại các tỉnh vùng cao như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai…; vận động các nhà hảo tâm xây được 3 nhà tình nghĩa ở Tuyên Quang và một số nhà ở các tỉnh lân cận.

Trong đợt lũ lịch sử ở miền Trung năm 2020, CLB Khát vọng cuộc sống đã vận động được rất nhiều nhu yếu phẩm với tổng trị giá gần 500 triệu đồng, chia làm hai đợt đi cứu trợ đồng bào tại Quảng Bình và Quảng Trị. Cả hai đợt cứu trợ, anh Hậu đều dẫn đoàn cho dù sức khỏe yếu và phải nhờ tình nguyện viên bế qua các đoạn đường gập ghềnh.

Năm 2017, trên cương vị Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên khuyết tật huyện Thủy Nguyên, Chủ nhiệm CLB Khát vọng cuộc sống, anh Hậu đã gặp gỡ giám đốc nhân sự Khu Công nghiệp VSIP Hải Phòng để trao đổi về cơ hội việc làm, chế độ đãi ngộ của khu công nghiệp với lao động khuyết tật. Kết quả, hơn 100 người khuyết tật đã được nhận vào làm việc tại khu công nghiệp, giúp họ có công việc ổn định.

Anh Nguyễn Tiến Mạnh, Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Thủy Nguyên, nhận xét: Anh Hậu là một tấm gương người khuyết tật vượt lên số phận điển hình ở huyện. Anh còn dạy nghề cho nhiều bạn trẻ khuyết tật trên địa bàn, giúp họ có việc làm ổn định, tự tin hòa nhập. Ngoài ra, anh rất năng nổ, sáng tạo và nhiệt tình làm thiện nguyện, không chỉ ở địa phương mà còn tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Chuyện tình đẹp với người vợ thảo hiền

Khi tôi trò chuyện với Hậu là lúc anh đang chuẩn bị về Hà Nội dự chương trình giao lưu “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật” năm 2022. Chương trình này do Hội Bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức.

Anh Hậu quen chị Nguyễn Thị Lương trong một lần về thăm người thân tại Hải Dương năm 2008. Cùng là người khuyết tật, anh chị dễ đồng cảm và thấu hiểu hoàn cảnh của nhau, hơn hết là tình yêu chân thực xuất phát từ cả hai phía. Tuy nhiên, khi bàn đến chuyện trăm năm, hai bên gia đình đều phản đối vì sợ hai vợ chồng đều là người khuyết tật sẽ khó có thể lo cho nhau.

Anh Nguyễn Hữu Hậu (ngồi bên trái) trong chương trình “Trái tim đồng cảm” năm 2016. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Anh Hậu và chị Lương đã thuyết phục hai bên gia đình bằng những dẫn chứng cụ thể, khoa học. Cuối cùng, gia đình hai bên đã đồng ý trước tình yêu của đôi bạn trẻ. Hai người nên duyên năm 2009 và đã có hai con xinh xắn, khỏe mạnh, cháu gái sinh năm 2010 và cháu trai sinh năm 2014.

Từ duyên lành đến thuận vợ thuận chồng, anh chị tập trung vào làm kinh tế. Chị lo chăm sóc con cái, hỗ trợ chồng những lúc anh tổ chức sự kiện thiện nguyện.

Chị Nguyễn Thị Lương bày tỏ: “Chúng tôi đến với nhau bằng tình yêu đích thực và xây dựng hạnh phúc gia đình đã được 13 năm. Thời gian đầu, kinh tế còn khó khăn nhưng vợ chồng tôi luôn cố gắng lao động, thương yêu nhau để vượt qua. Qua đây, tôi muốn gửi thông điệp đến các bạn trẻ khuyết tật: Hãy mạnh dạn đến với nhau. Mọi gian nan, thử thách đều có thể vượt qua, chỉ cần các bạn có tình yêu đủ lớn và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống“.

Dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật

Sau 2 năm học nghề, anh Hậu đi làm thuê một năm. Có được chút vốn liếng, anh mạnh dạn về nhà mở xưởng đồ gỗ mỹ nghệ Hiệp Hậu.

“Năm 2011, tôi bắt đầu làm sản phẩm mộc hoàn thiện như sập gụ tủ chè, bộ bàn ghế, tranh treo tường… Hai năm sau, tôi liều vay ngân hàng 1 tỉ đồng để mua 2 dàn máy CNC điêu khắc tự động. Được khách hàng tin tưởng, đơn hàng về liên tục, có lúc cao điểm tôi làm việc đến 14 giờ một ngày”, anh Hậu kể.

Chỉ trong vài năm, anh Hậu đã trả nợ hết ngân hàng, xưởng mở rộng quy mô. Anh còn nhận dạy nghề miễn phí cho 20 người khuyết tật, mồ côi. Đến nay, 5 người tay nghề cao đã mở được xưởng mộc riêng.

TRẦN THÚY VÂN

Nguồn tin: Người Lao động

Tin khác

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Huyện An Dương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More