Print Thứ Bảy, 03/08/2019 07:30

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, 22 giờ ngày 2-8, bão số 3 đã đi vào khu vực bắc Quảng Ninh. Tại trạm Móng Cái (Quảng Ninh) đã đo được gió mạnh 17 m/giây (cấp 7), gió giật mạnh 23 m/giây (cấp 9), ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng đã có gió giật cấp 6, cấp 7. Sau đó, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 5-10 km, men theo vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Bắc Bộ khẩn trương ứng phó mưa lớn do hoàn lưu bão số 3
Cán bộ, chiến sĩ Trạm 1 Cảnh sát biển (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1) giúp người dân đảo Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng chằng chống nhà cửa trước bão số 3. Ảnh: MẠNH THƯỜNG

Đến 10 giờ hôm nay (3-8), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40 – 60 km/giờ), giật cấp 8. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây nam, sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10 km và suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ). Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía bắc vĩ tuyến 19,0 độ vĩ bắc; phía tây kinh tuyến 110,0 độ kinh đông.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa gió mạnh dần lên cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 8.

* Chiều 2-8, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh. Làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng lưu ý, đây là cơn bão có đường đi phức tạp, di chuyển chậm và đổ bộ đúng lúc triều cường và gió mạnh, tỉnh không được chủ quan và cần thực hiện tăng cường rà soát tất cả khu vực nguy hiểm, sạt lở, ngập sâu, không được để người dân ở lại khu vực này. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh có phương án bảo vệ công trình giao thông, mỏ than và hệ thống thủy lợi, thủy điện.

* Sáng cùng ngày, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT tổ chức họp triển khai các biện pháp ứng phó bão số 3. Trong hai ngày 1 và 2-8, ngoài thực hiện cấm tàu, thuyền ra biển, các tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định đã di chuyển 4.471 người dân vùng ven biển đến nơi ở an toàn trước khi bão đổ bộ. Đến chiều 2-8, vẫn còn 307 người ở đảo Cô Tô. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, bão số 3 đổ bộ đúng vào thời điểm triều cường mạnh nhất, nước biển dâng trong cơn bão có thể cao từ 4 đến 4,5 m. Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT chỉ đạo các địa phương ven biển hoàn thành việc di chuyển dân trước 15 giờ ngày 2-8, nhất là trên các đầm, bè nuôi cá; kiểm tra, sẵn sàng bảo vệ đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình xung yếu, bị sự cố và đang thi công; bảo đảm an toàn đập và hạ du hồ chứa; có phương án chống ngập úng tại đô thị, tiến hành tiêu nước đệm tại những khu vực có nguy cơ ngập úng; khơi thông các kênh mương tiêu, chủ động vận hành hệ thống bơm tiêu. Sau cuộc họp, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT triển khai hai đoàn công tác đi các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội kiểm tra công tác ứng phó bão số 3.

* Theo Ban Chỉ huy PCTT Bộ Tư lệnh Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 2-8, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp chính quyền các địa phương ven biển thông báo, hướng dẫn di chuyển, tránh trú, bảo đảm an toàn cho 71.635 tàu; 7.907 lồng bè, lều, chòi canh vào nơi trú tránh an toàn.

* Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong số 20 tàu của ngư dân tỉnh Quảng Bình vào tránh trú tại đảo Hải Nam (Trung Quốc), hiện tại mới xác minh được sáu tàu, còn lại 14 tàu sau khi di chuyển về phía đảo Hải Nam đang mất liên lạc.

* Theo Tổng cục PCTT, lượng nước các hồ chứa thủy điện phía bắc hiện đang ở mức thấp, riêng hồ Tuyên Quang xấp xỉ mực nước cao nhất trước lũ và 12 hồ chứa thủy điện nhỏ đang xả tràn. Lượng nước hồ chứa thủy lợi ở khu vực Bắc Bộ ở mức 60 – 70% dung tích; riêng hồ Đầm Hà Động xả tràn 10 m3/s. Các hồ khu vực Bắc Trung Bộ đạt 25 – 30% dung tích. Đặc biệt có 141 hồ hư hỏng và 62 hồ đang thi công có nguy cơ xảy ra mất an toàn, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm an toàn khi có lũ.

* Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực I đã điều động tàu SAR 411, SAR 273 ứng trực tại vịnh Lan Hạ, Cát Bà; ba chiếc ca-nô: 02, 03, 06 ứng trực ở khu vực Bắc sông Cấm, Hải Phòng.

UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng) đã thông báo, kêu gọi 1.122 phương tiện di chuyển vào nơi tránh trú; triển khai di dời tất cả 30 bè thu mua thủy sản và nhà nổi tại vị trí xung yếu khu vực vịnh Cát Bà đến nơi an toàn; kiểm tra, rà soát vị trí đê, kè, cống xung yếu. Huyện đã thông báo, tổ chức di chuyển 550 khách du lịch vào đất liền.

Tại đảo Bạch Long Vĩ, Trạm 1 Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã điều động 10 chiến sĩ giúp nhân dân chằng buộc, gia cố nhà cửa, vận động tàu thuyền vào neo đậu trong âu cảng, đưa hơn 40 thuyền, mủng từ âu cảng lên bờ an toàn trước bão.

* Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức di chuyển 16.132 người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản về vị trí an toàn để tránh trú bão số 3. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã vận động 16 nghìn ngư dân trên các tàu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản lên bờ.

TP Móng Cái đã đưa gần 1.300 tàu, thuyền khai thác, đánh bắt thủy sản và hơn 300 đò trên sông Ka Long, Bắc Luân về nơi neo đậu. Huyện Hải Hà di dời 132 ngư dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi ở tạm an toàn.

* Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Ninh Bình chỉ đạo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi vận hành 31 máy/15 trạm bơm, vận hành 78 cống dưới đê và một cống hồ nhằm tiêu úng khi có mưa lớn; kiểm tra an toàn các tuyến đò ngang, đò dọc, cấm đò từ 9 giờ ngày 2-8 đến khi bão tan.

* Tỉnh Nam Định đã thực hiện lệnh cấm biển từ 5 giờ ngày 2-8; đồng thời tập trung kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Tỉnh đã chuẩn bị 42.495 m3 đá hộc, hơn 4.000 rọ thép, vải lọc, bạt chống tràn để gia cố đê, kè khi cần thiết.

* Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã mưa rất to; mực nước sông Lô tại TP Tuyên Quang dâng khá cao, đạt 17,18 m, nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố cảnh báo các hộ gia đình ở ven sông suối, vách núi chủ động ứng phó.

* Tại tỉnh Sơn La cũng xảy ra mưa to trên diện rộng, mực nước tại trạm Cầu Sông Mã, huyện Sông Mã khả năng lên báo động II. Ban Chỉ huy PCTT tỉnh yêu cầu các địa phương có phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

* Tỉnh Yên Bái đã có công điện yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó mưa to, sạt lở đất do hoàn lưu bão số 3; đồng thời bố trí máy móc, phương tiện trực tại các tuyến đường thường xuyên bị ách tắc do mưa lũ.

* Chiều 1-8, tại xã Phúc Đồng (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) mưa lớn kèm lốc xoáy đã làm tốc mái 45 nhà dân tại các thôn 5, 7 và 8, trong đó, có 10 ngôi nhà bị thiệt hại nặng. Chính quyền xã đã huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

* Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết, do thời tiết xấu, để bảo đảm an toàn, trong ngày 2-8, hãng đã hủy chín chuyến giữa Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đi Đà Lạt. Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng được VNA hỗ trợ đổi chuyến bay miễn phí trên cùng hành trình.

* Ngày 2-8, UBND tỉnh Thanh Hóa có công điện khẩn yêu cầu các ngành, địa phương theo dõi chặt diễn biến mưa, lũ để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh.

Liên tiếp hai ngày qua, tại các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát xảy ra lốc, mưa lớn gây sạt lở đất, thiệt hại về người, tài sản của nhân dân. Tại huyện Mường Lát xảy ra sạt lở đất khiến một người dân ở thôn Sài Khao, xã Mường Lý bị chết. Lốc làm hư hỏng 34 ngôi nhà ở hai huyện Quan Hóa, Quan Sơn, đổ một cột điện hạ thế, hư hỏng một điểm trường.

Ứng cứu nhiều ngư dân gặp nạn trên biển

Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, từ ngày 31-7, trên vùng biển Cà Mau liên tiếp xảy ra hai vụ tàu đánh cá của ngư dân gặp nạn trên biển. Nhận được yêu cầu cứu hộ, cứu nạn, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng tổ chức lực lượng, phương tiện cứu hộ kịp thời các thuyền viên của hai tàu cá CM 98912 TS và CM 95941 TS gặp nạn.

* Hệ thống Thông tin duyên hải (TTDH) Việt Nam cho biết, trong hai ngày (1 và 2-8), đơn vị liên tiếp nhận được yêu cầu trợ giúp khẩn cấp của bốn tàu cá hỏng máy thả trôi trên biển. Hệ thống TTDH Việt Nam đã liên lạc các đơn vị cứu nạn trong khu vực để có phương án hỗ trợ kịp thời.

PV và CTV

Nguồn. Báo Nhân dân

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bắc Bộ khẩn trương ứng phó mưa lớn do hoàn lưu bão số 3
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác