Chiến lược về cảng biển
Quy hoạch mở rộng hệ thống cảng biển kết hợp với hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics khẳng định vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng với khu vực và quốc tế.
Mở rộng quy hoạch khu bến Lạch Huyện về phía Tây, tăng diện tích từ 600ha với chiều dài cảng 10km theo quy hoạch kỳ trước lên thành 2.000ha với chiều dài cảng 35km, công suất dự báo khoảng 100 triệu TEU tương đương 1320 triệu tấn. Bổ sung cầu Lạch Huyện 2, cầu (hoặc hầm) Lạch Huyện 3, các tuyến đường bộ, đường sắt phục vụ mở rộng khu bến Lạch Huyện.
Kế thừa vị trí và chuyển đổi chức năng cảng Nam Đồ Sơn theo quy hoạch sang thành cảng dân dụng, mở rộng ra phía Đông hỗ trợ cảng Lạch Huyện. Bổ sung cảng hàng lỏng và cảng tổng hợp tại đảo Cái Tráp (Cát Hải), cảng Văn Úc tại cửa sông Văn Úc (Tiên Lãng).
Kế thừa Khu bến Đình Vũ, bổ sung thêm các bến phục vụ hàng tổng hợp, container, xăng dầu, tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn. Từng bước đi dời Khu bến trên sông Cấm để quy hoạch phát triển đô thị Nam sông Cấm (ưu tiên chuyển đổi sang đất cây xanh, công cộng và các công trình phục vụ cộng đồng).
Quy hoạch bến cảng huyện đảo Bạch Long Vỹ là bến cảng vệ tinh, đầu mối giao lưu với đất liền, kết hợp phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng an ninh.
Chiến lược về công nghiệp
Quy hoạch ngành Công nghiệp thành phố theo định hướng trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Quy mô đất khu Cụm công nghiệp, kho tàng năm 2025 khoảng 13.000-13.500ha (tăng khoảng 2.200-2.300ha so với hiện trạng); năm 2035 khoảng 18.000-20.000ha; năm 2050 khoảng 23.000ha.
Diện tích quy hoạch đất công nghiệp, kho tăng 6.671 ha (140%) so với quy hoạch kỳ trước. Phát triển mở rộng Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải để bổ sung Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 với diện tích 687ha và các khu chức năng khác (phạm vi, ranh giới các khu chức năng của Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải sẽ được xác định cụ thể theo quy hoạch riêng). Kế thừa 17 Khu công nghiệp khoảng 9.500ha và 33 Cụm công nghiệp đã hình thành theo quy hoạch kỳ trước khoảng 1.300ha, phát triển thêm 9.400-9.600ha gồm: 9 khu công nghiệp mới khoảng 8.100-8.300ha và rà soát mở rộng 28 cụm công nghiệp đã có tăng khoảng 1.300ha.
Khu vực công nghiệp Đình Vũ-Cát Hải gắn với cảng biển thuộc Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải: Kế thừa Khu công nghiệp Đình Vũ, Nam Đình Vũ, Nam Tràng Cát, Lạch Huyện; bổ sung thêm các Khu công nghiệp Hà Đông đảo Cái Tráp, Lạch Huyện mở rộng ưu tiên phát triển các loại hình công nghiệp điện tử, điện gia dụng, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ…
Khu vực công nghiệp phía Bắc: Kế thừa Khu công nghiệp Thủy Nguyên-VSIP, Bến Rừng; bổ sung thêm Khu công nghiệp Nam sông Giá, Bến Rừng 2; bỏ các Cụm công nghiệp Gia Minh, Gia Đức Khuyến khích áp dụng công nghệ sạch đối với cụm công nghiệp cũ, phát triển công nghiệp đa ngành ứng dụng công nghệ cao…
Khu vực công nghiệp phía Tây (dọc Quốc lộ 10): Kế thừa Khu công nghiệp Nam Cầu Kiển, Nomura, An Hưng-Đại Bản, An Dương, Tràng Duệ, Cầu Cựu, Cụm công nghiệp Vật Cách, An Lão; bổ sung thêm Khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3. Ưu tiên phát triển loại hình công nghiệp cơ khí chế tạo các sản phẩm cơ khí phụ vụ các ngành kinh tế mũi nhọn, cơ khí chính xác, sản xuất linh kiện phụ tùng máy cơ khí có ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao…
Khu vực công nghiệp phía Tây Nam: Kế thừa Khu công nghiệp An Hòa, Giang Biên II, Tiên Thanh, Vinh Quang Vĩnh Bảo, Cụm công nghiệp Dũng Tiến bổ sung thêm Khu Công nghiệp Thị trấn Vĩnh Bảo, Ưu tiên phát triển công nghiệp đa ngành hỗ trợ các ngành công nghiệp mũi nhọn, chế biến ứng dụng công nghệ cao…
Khu vực công nghiệp phía Đông Nam (dọc sông Văn Úc và tuyến cao tốc ven biển): Kế thừa Khu công nghiệp Vinh Quang, Sao Mai-Tiên Lãng, Ngũ Phúc-Kiến Thụy, các Cụm công nghiệp Tiên Lãng, Tân Trào, Chiến Thắng, An Thọ, bổ sung thêm Khu công nghiệp Tam Cường-Vĩnh Bảo, công nghiệp sân bay Tiên Lãng. Ưu tiên phát triển công nghiệp đa ngành, cơ khí chế tạo các sản phẩm cơ khí siêu trường, siêu trọng, tàu thủy, công nghiệp hỗ trợ ngành hàng không, công nghiệp vật liệu mới, công nghệ sinh học.
Chiến lược về du lịch, dịch vụ, thương mại
Quy hoạch phát triển du lịch thành phố trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao tầm quốc tế, trọng điểm là khu vực Cát Bà, Đồ Sơn và du lịch lịch sử-văn hóa, trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trung tâm tài chính, thương mại, giao dịch ngoại thương, xúc tiến thị trường và vận động đầu tư lớn của vùng Bắc Bộ, cả nước; trung tâm giao dịch thông tin, bưu chính viễn thông và hội nghị quốc tế lớn.
Dự báo lượng khách du lịch đến năm 2025 đạt 20 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng khoảng 2,7 triệu lượt khách; năm 2030 đạt 30-35 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 3,8 triệu lượt khách; năm 2035 đạt 35-40 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt khách.
Mở rộng không gian du lịch-dịch vụ Đồ Sơn từ 91ha theo quy hoạch kỳ trước lên thành 902ha, đảm bảo đủ quỹ đất để phát triển thành trung tâm du lịch với thể thao vui chơi giải trí, tín ngưỡng và tham dự các lễ hội vùng biển độc đáo như: Lễ hội chọi trâu; du lịch nghỉ dưỡng thể thao dưới nước, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện…). Là điểm đầu mối, cơ sở hậu cần cho tuyến du lịch Đồ Sơn-Cát Bà-Hạ Long.
Phát triển Cát Bà, Long Châu, Bạch Long Vỹ với khoảng 900ha đất dành cho phát triển du lịch dịch vụ kết hợp bảo vệ, giữ gìn hệ sinh thái. Khu vực này là trung tâm du lịch với biển và đảo, tham quan vịnh, vũng, hệ thống hang động, di chỉ khảo cổ; du lịch nghỉ dưỡng; tìm hiểu các giá trị sinh thái, sinh học và cảnh quan ở Khu dự trữ sinh quyển. Hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long-Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới.
Hình thành con đường di sản Cái Bèo-Tràng Kênh-Bạch Đằng Giang, Núi Voi-Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm-Khu tưởng niệm Nhà Mạc… Trong đó, trọng tâm là bảo tồn, phát huy giá trị các khu vực liên quan tới các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên dòng sông Bạch Đằng theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 28/2/2020 của HĐND thành phố. Phát triển du lịch văn hóa tâm linh Tràng Kênh, Núi Voi, Đồ Sơn.
Khu phố Pháp phát triển du lịch với di sản văn hóa và đặc trưng đô thị biển, dựa vào tài nguyên du lịch khu phố cũ, công trình kiến trúc thời Pháp và các di tích: Chùa Dư Hàng, đình Hàng Kênh, đền Nghè, cảnh quan Tam Bạc, Công viên Văn hóa trung tâm, Bến Bính…
Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái rừng và làng nghề gắn với bảo vệ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử, di sản văn hóa, cảnh quan núi, sông, hồ, đầm, nông-lâm nghiệp. Mở rộng khai thác khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Tiên Lãng.
Phát triển du lịch đường thủy trên các sông: Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Bạch Đằng, Thái Bình, Giá. Xây dựng bến tàu thủy quốc tế ở đảo Cát Hải, Nam cảng Đình Vũ hoặc Đồ Sơn.
Hệ thống dịch vụ thương mại có diện tích khoảng 7.000ha, tăng khoảng 6.100ha so với quy hoạch kỳ trước, phát triển thêm các khu dịch vụ thương mại cấp vùng và khuyến khích các dịch vụ tư nhân tham gia lĩnh vực dịch vụ thương mại đa ngành như: Dọc theo tuyến đường Vành đai 2, Vành đai 3, tại các đô thị mới, các khu vực đầu mối giao thông chính. Thiết lập hệ thống trung tâm thương mại, tài chính tổng hợp: Nâng cấp trung tâm tài chính-thương mại quốc tế và hội chợ triển lãm tại Dương Kinh, Lê Chân, Hồng Bàng. Xây dựng mới trung tâm giao thương quốc tế (CBD Hải An), trung tâm thương mại, tài chính gắn với dịch vụ cảng hàng không (Cát Bi, Tiên Lãng), ga đường sắt liên tỉnh (Dương Kinh), Đô thị mới Bắc sông Cấm (Thủy Nguyên), Đô thị mới phía Tây (An Dương).
Mạng lưới logistics: Trung tâm logistics cấp vùng bố trí tại khu vực Đình Vũ-Cát Hải. Các trung tâm logistics cấp thành phố tại Lạch Huyện, Khu công nghiệp VSIP, Khu công nghiệp Tràng Duệ, thị trấn mới (dự kiến) Hùng Thắng huyện Tiên Lãng; các trung tâm logistics chuyên dụng hàng không gắn liền với các cảng hàng không (Cát Bi, Tiên Lãng); các trung tâm logistics hỗ trợ tại Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, An Lão, An Dương, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo và các khu hậu cần logistics Học Đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông chính trên địa bàn thành phố.
Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, bán lẻ trong đô thị lõi trung tâm, các khu đô thị mới, các công trình giao thông đầu mối (cảng hàng không, ga metro, ga đường sắt, bến xe…), hình thành khu thương mại tự do tại Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải. Mạng lưới chợ đầu mối nông sản tổng hợp, chợ rau quả và chợ thủy hải sản cấp vùng ở Thủy Nguyên, An Lão, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo.
Tử Hưng
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More