Mặc dù có dấu hiệu giảm trong một vài ngày gần đây, nhưng với mức tăng lên đỉnh hơn 4,2 triệu đồng/chỉ trong thời gian qua, giá vàng đã lập kỷ lục cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.
Như đã nói ở trên, dù đà tăng đã chững lại, thậm chí thang giá đang có chiều đi xuống trong máy ngày qua, nhưng nếu so sánh với chu kỳ tăng giảm bắt đầu từ quý 2 của thứ kim loại trao đổi có giá trị này, ngần ấy chưa đủ để khẳng định giá vàng đã ổn định.
Tháng 10-2018, nghĩa là cách đây đúng một năm, giá vàng ngày cao nhất khoảng 3,65 triệu đồng/chỉ, mức giá này cũng tương ứng với giá bình quân của tháng 6-2019.
Nhưng từ đầu quý 3, giá vàng bất ngờ leo thang, có lúc lên tới gần 4,3 triệu đồng/chỉ, như vậy là chỉ trong vòng 3 tháng, chênh lệch bình quân theo hướng tăng của vàng đã lên tới gần 600 nghìn, tương ứng tỷ lệ tăng 16,4% so với giá bình quân khởi điểm.
Vấn đề hết sức đáng lưu ý là, sau mức giá kỷ lục được thiết lập từ năm 2011, giá vàng lùi sâu về quanh mốc trên dưới 3,5 triệu đồng/chỉ, dù vẫn biến động nhưng cơ bản không tạo ra đột biến trong 8 năm qua. Còn đợt này, giá vàng đã tạo ra nhiều nỗi lo khi liên tục tăng và đang neo đậu ở mức khá cao.
Dù những năm gần đây, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu và rộng, giá vàng trong nước đã không còn tình cảnh “một mình một đường”, mà vận hành theo xu thế thị trường thế giới.
Nhưng theo một số cơ sở kinh doanh vàng, nếu như mấy tháng trước khối lượng giao dịch chưa đáng kể thì trong tháng 9 vừa qua, sau khi tháng Ngâu kết thúc, lượng vàng được tiêu thụ tăng khá mạnh, báo hiệu xu hướng tích luỹ vàng đã quay trở lại.
Còn theo một cán bộ nghiên cứu ngành ngân hàng thì đây là một hệ luỵ tiêu cực, vì nếu xu hướng tiết kiệm bằng vàng trở thành phổ biến trở lại thì giá trị tiền VND nói riêng và các phương tiện thanh toán khác sẽ bị tác động, ảnh hưởng không tốt đến kiểm soát lạm phát.
Cũng theo ông này thì việc tiêu thụ vàng cao trong mùa cưới là điều bình thường, xong đợt biến động vừa qua không chỉ vàng trang sức bán chạy, mà vàng miếng nhiều ngày cũng trong tình trạng tương tự.
Tại Hải Phòng tái xuất hiện tình trạng thu gom vàng cho các đại lý lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài nguyên nhân giá vàng thế giới tăng cao, một phần người tiêu dùng đổ đi tích vàng thời gian qua là do tác động tâm lý, mà đây cũng là lý do truyền thống dẫn đết các đợt sốt giá.
Gần đây rộ lên tin đồn đồng đô la Mỹ sẽ “chết dần” do ảnh hưởng của tranh chấp thương mại giữa Mỹ với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU và Nhật Bản, nên có thể việc lựa chọn đồng đô la Mỹ làm “vốn” không còn hấp dẫn nữa. Điều này không phải không có căn cứ, vì thực tế trên thị trường trong nước đô la Mỹ cơ bản “đứng yên”, thậm chí giao dịch yếu được thể hiện thông qua bảng niêm yết của các ngân hàng thương mại.
Nhìn ra thị trường thế giới, tác động mạnh mẽ nhất dẫn đến biến động giá vàng được cho là từ các cuộc tranh chấp thương mại và tình hình chiến sự căng thẳng ở Trung Đông. Gần đây, sự kiện các kho dầu lớn ở Ả Rập Xê-út bị tấn công, đã góp phần làm gia tăng căng thẳng ở khu vực này, đồng thời dễ làm “bùng cháy” các yếu tố tác động kinh tế vĩ mô khác.
Theo các thông tin quốc tế, động thái của một số khu vực kinh tế lớn đang tìm kiếm loại ngoại tệ khác để tích trữ, là minh chứng rõ nét. Trong khi đó tại Việt Nam, thị trường chứng khoán chưa thực sự ổn định trở lại khi di chứng của các đợt khủng hoảng còn nặng nề, thị trường bất động sản dù đang phục hồi nhưng cũng chập chờn… cũng được xem là nguyên nhân chi phối mạnh mé giá vàng.
Hệ luỵ này đang gây áp lực lớn đối với thị trường hàng tiêu dùng, khi mà cả giá vàng lẫn ngoại tệ chưa thể đem lại sự ổn định. Nhất là trong bối cảnh nền sản xuất mạnh trong nước hiện vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu và bán thành phẩm rất lớn, tác động từ vàng và ngoại tệ là không thể tránh khỏi, còn việc các phương tiện thanh toán nói chung bất ổn sẽ cực khó cho các nhà làm thương mại.
Thực tế diễn biến của thị trường vàng và ngoại tệ đang trở thành vấn đề khá nóng, bởi trong điều kiện hội nhập thì các chính sách vĩ mô sẽ gặp khó khi phải điều chỉnh bình ổn giá, mà kinh nghiệm đối với xăng dầu là bài học nhãn tiền.
Trở lại với việc gia tăng chiến sự ở Trung Đông, nơi nắm quyền quyết định thị trường xăng dầu thế giới, nhiều dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng từ khu vực này sẽ tạo ra tác động tiêu cực cho thị trường trong nước, rất có thể giá xăng dầu sẽ buộc phải điều chỉnh tăng mạnh trong thời gian tới.
Nếu suy theo chiều hướng như vậy, chi phí sản xuất gia tăng là áp lực lớn đối với một số hàng nhạy cảm như xi măng, thép xây dựng, phân bón… và chi phí vận tải hàng hóa.
Như vậy, sự cộng hưởng từ giá vàng, giá xăng dầu và sự thiếu ổn định tiềm ẩn từ thị trường tiền tệ đang là câu chuyện không nhỏ, khi thị trường quý 4 đã chính thức khởi động.
Nếu không có giải pháp hữu hiệu, biến động của các mặt hàng chủ đạo sẽ là một thử thách lớn cho cuối năm Kỷ Hợi này.
Lê Minh Thắng