Không nhân nhượng với tội phạm
Ngày cuối năm, tôi gặp lại Đại tá Lê Hồng Thắng – Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CATP. Biết nhau từ khi anh còn là một cán bộ trinh sát mới vào nghề, nay đã trở thành “khắc tinh của tội phạm”, là “kiến trúc sư” của những trận đánh lớn, những kế hoạch điều tra phá án sắc bén khiến nhiều băng nhóm tội phạm phải bó gối quy hàng, nhiều đại bàng, đầu gấu phải rã cánh cúi đầu. Câu chuyện giữa chúng tôi hết sức chân tình và cởi mở.
Tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề, Đại tá Thắng bộc bạch: Anh yêu đến cháy lòng cái nghề Cảnh sát hình sự của mình. Đứng trước mỗi vụ việc, bao giờ anh cũng phân tích, đánh giá, mổ xẻ vấn đề một cách khoa học. Chi tiết nào còn chợn gợn thì đưa ra tập thể lãnh đạo chỉ huy bàn bạc. Nhất là ở các vụ án, các chuyên án lớn, anh luôn nhanh nhạy từ phác thảo đến xây dựng hoàn chỉnh kịch bản cho trận đánh, bảo đảm đủ 3 yếu tố. Đó là, an toàn cho trinh sát, cho nhân dân và cho chính đối tượng.
Cũng rất lạ là, trong nhiều trận chiến, lúc nào anh cũng trực tiếp đảm trách các mũi tấn công trọng yếu, bắt giữ các đối tượng “cộm cán”, manh động, nguy hiểm. Ngoài sự dũng cảm, gan dạ, kinh nghiệm trận mạc thì trong con người Đại tá Thắng vẫn luôn mặc định tố chất của một trinh sát hình sự.
Thích mạo hiểm một chút, quyết đoán trong xử lý tình huống pha lẫn cái cốt cách của người xưa “trọng nghĩa khinh tài”, song quyết không nhân nhượng với tội phạm, kẻ xấu, với cái ác, luôn đấu tranh hết mình vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân.
Và bây giờ, Đại tá Lê Hồng Thắng đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, danh hiệu cao quý ghi nhận sự cống hiến của anh, là thành quả của những năm tháng vượt qua bao hiểm nguy, vượt lên những cuộc chiến cân não, đấu trí đấu sức, bắt và quy án nhiều tội phạm sừng sỏ.
Vinh quang là thế, nhưng tác phong, giọng nói, cử chỉ, ánh mắt của Đại tá Thắng vẫn giữ nguyên nét giản dị, ấm áp, gần gũi và tin cậy như ngày nào. Trong lòng bà con lối xóm, những người dân lao động, hình ảnh của người anh hùng hiển hiện lên hết sức đời thường, chân thực, dung dị. Với đồng chí, đồng đội, bạn bè, anh Thắng vẫn là con người chân tình, cởi mở, khiêm tốn, biết lắng nghe và hết mực bao dung.
Truyền lửa cho lính hình sự trẻ
Những ngày này, Đại tá Thắng bận bịu nhiều hơn. Ngoài công việc, anh còn đi giao lưu, tiếp xúc, làm diễn giả của nhiều chương trình theo yêu cầu của các đơn vị cơ sở. Nói cho sang vậy, chứ những cuộc đó đều liên quan đến những vấn đề chuyên môn nghiệp vụ anh tích lũy được trong mấy mươi năm chinh chiến.
Như nói chuyện với các thành viên của Mặt trận Tổ quốc của 2 quận nội thành về tội phạm có tổ chức và tín dụng đen; đến các trường THPT, thuyết trình sâu về tình trạng, cách phòng ngừa bạo lực học đường và chống xâm hại trẻ em. Đặc biệt, trước hơn 1.000 học viên Khoa điều tra tội phạm của Học viện CSND, Đại tá Thắng đem cả kho kiến thức lẫn kinh nghiệm thực tiễn truyền đạt lại cho thế hệ nối tiếp.
Được nghe “bậc thầy của những đại án” đánh giá, mổ xẻ từng tình tiết, nhìn mặt tội phạm mà “đọc vị” được phương thức, thủ đoạn, tâm lý của chúng; cách xử lý những tình huống khó và nguy hiểm, lớp lính trẻ không chỉ được “truyền lửa” mà còn học được ở anh rất nhiều điều bổ ích. Có những điều tưởng như nhỏ bé, vụn vặt, tầm thường ít ai để ý đến nhưng khi lâm trận rồi mới thấy nó hết sức hữu dụng, bởi kiến thức hình sự là rất tổng hợp với muôn sắc màu của cuộc sống đời thường.
Độc giả say sưa nghe, càng tâm huyết cháy bỏng lòng yêu nghề với những gì anh nói, càng thôi thúc mãnh liệt sự khát khao cống hiến, học tập vươn lên…
Một điều mà độc giả muốn biết nhiều về Đại tá Lê Hồng Thắng, ấy là sau khi được vinh danh Anh hùng LLVTND, anh sẽ giữ nhịp phong độ thế nào. Câu trả lời được xem khá đơn giản.
Đó là hàng loạt những trọng án lớn, vô cùng phức tạp đã được anh trực tiếp chỉ đạo phá thành công những ngày gần đây như: Vụ Đỗ Xuân Trực, sinh 1994, ở Quảng Trị cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội; Vụ bắt ổ nhóm buôn ma túy giấu “hàng” trong những trái bưởi; Vụ phá mồ mả lấy tro hài cốt đòi tiền chuộc; Vụ 4 đối tượng trong ổ nhóm do Lê Văn Thiết cầm đầu Lừa đảo chiếm đoạt 230 chiếc ti-vi trị giá hàng tỷ đồng… Và, mới đây nhất phá nhanh vụ trọng án giết người đốt xác tại huyện Tiên Lãng.
Rút ruột thành “Ba tâm, ba bám”
Không chỉ tạo khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ đơn vị, lấy sức mạnh đoàn kết để tạo thành một đội ngũ, ê – kíp làm việc hiệu quả, với cương vị là “thủ lĩnh” của đơn vị, Đại tá Thắng đã xây dựng các bài giáo án về kỹ năng thực hành để tổ chức phổ biến đến CBCS trong nghề.
Theo anh, muốn phá án tốt phải lấy công tác nghiệp vụ cơ bản làm căn cốt để làm tốt các kỹ thuật trinh sát, điều tra. Vừa qua, sau nhiều tháng miệt mài nghiên cứu, cắp sách đi học hỏi nhiều vị “cao lão” trong lực lượng Cảnh sát hình sự, anh đã “trình làng” mô hình thi đua: “Ba tâm, ba bám”. Đây là tâm huyết, là tri thức trong sách vở và trong thực tiễn 35 năm được Đại tá Thắng đúc kết, “rút ruột”. “Ba tâm” là kết tinh những phẩm chất cần có đối với mỗi trinh sát.
Đó là: “Thực tâm trong quan hệ đồng chí, đồng đội”, “Đồng tâm trong xây dựng đơn vị” và “Quyết tâm trong công việc”. Còn “Ba bám” là: “Bám công việc”, “Bám địa bàn”, “Bám đối tượng”. Đây vừa là bài học về công tác nghiệp vụ, vừa là công việc “sát sườn” phục vụ thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm của mỗi chiến sỹ Cảnh sát hình sự. Trên cơ sở dự thảo mô hình của Phòng Cảnh sát hình sự, ngày 15-8-2018, Giám đốc CATP đã phát động phong trào thi đua “Ba tâm, ba bám” và phong trào đang có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Người anh hùng nhân văn
Mậu Tuất – 2018 được coi là một năm đầy dấu ấn với Đại tá Lê Hồng Thắng. Ngập tràn trong muôn vàn công việc, song vẫn có những chuyến đi từ thiện.
Là người lính hình sự nhân văn, với tinh thần “tương thân, tương ái”, giúp đỡ, tri ân đồng chí, đồng đội và tương trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn, Đại tá Thắng cùng tập thể đơn vị còn tổ chức rất tốt các hoạt động thiện nguyện. Đó là hàng loạt những chuyến đi tặng quà, thăm hỏi ân cần ấm áp tình người theo đúng phong cách nhanh, gọn, hiệu quả, thiết thực của lính hình sự.
35 năm trong quân ngũ, mái tóc đã pha sương nhưng Lê Hồng Thắng vẫn bền bỉ cống hiến theo khẩu hiệu hành động của người chiến sĩ CAND “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. “CSHS cũng là người thường, chẳng phải mình đồng da sắt.
Các nguyên lý cơ học sinh học có khác gì ai. Điều cốt lõi là phải rèn luyện sao để mọi việc từ ăn, ngủ, sinh hoạt đến các hoạt động điều tra, trinh sát luôn giữ được độ bền; để không mệt mỏi gục ngã trước mọi điều kiện hoàn cảnh, để được cống hiến nhiều hơn…” – Đại tá Thắng tâm sự.
Nhận thức đầy đủ vai trò, sức mạnh của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, Đại tá Thắng và đồng đội thực sự đã biết dựa vào quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, đó là chiều sâu của những người lính hình sự. Nghe nhắc tới điều này, anh khiêm nhường cho biết, thực ra, đã cố gắng rèn luyện và làm theo đúng những lời Bác Hồ dạy: “Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Quả vậy, những lời căn dặn của Bác đã được Lê Hồng Thắng cùng đồng đội quán triệt và thực hiện trong công tác, chiến đấu, biến đó thành những chiến công hiển hách làm nên thành tích sáng chói với danh hiệu Anh hùng LLVTND, góp phần vào trang sử hào hùng của toàn lực lượng.
XUÂN NGỌC
Sáng 28/12, Thường trực HĐND thành phố tổ chức họp thống nhất các nội dung…
Huyện Thủy Nguyên vừa thông tin trụ sở các đơn vị hành chính khi sắp…
Sau 10 ngày diễn tập với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, chiều 27/12,…
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt đối với…
Vũ Hoàng Oanh là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp thực…
Từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy và thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More