Print Thứ Ba, 05/03/2019 09:36

Không tập huấn, không người hướng dẫn, người lao động tại các xưởng chế biến gỗ chỉ biết tự phòng ngừa tai nạn lao động bằng kinh nghiệm bản thân. Nhiều thương tật nặng có thể xảy ra với người lao động, nhất là vào thời điểm các xưởng gia công gỗ vào mùa sản xuất.

Thương tật do bất cẩn

Trong 2 ngày 1 và 7-12-2018, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) tiếp nhận 2 trường hợp bị tai nạn lao động liên quan tới các hoạt động tại xưởng chế biến gỗ. Các nạn nhân đều bị tai nạn khi đang vận hành máy bóc gỗ, do sơ suất bị vướng tay áo vào trục máy. Sau đó, toàn bộ thân người, cánh tay bị cuốn theo guồng quay của máy. 1 tháng trước đó, bệnh viện kể trên cũng tiếp nhận 2 trường hợp tương tự. Các nạn nhân nhập viện đều trong tình trạng bong tróc da phần lưng, bụng, ngực và cánh tay. Một số nạn nhân bị sốc do mất nhiều máu, gãy nhiều xương sườn, sập xương ức, suy hô hấp.

Tại Hải Phòng, chỉ tính riêng làng nghề gỗ Kha Lâm (quận Kiến An) có tới hơn 80 cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ gỗ. Hầu như năm nào cũng có người nghỉ việc do tai nạn trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, theo các chủ cơ sở ở đây cho biết, để duy trì hoạt động, tránh cơ quan chức năng hầu hết các vụ việc tai nạn lao động đều được giải quyết bằng thỏa thuận đền bù giữa công nhân và chủ sử dụng lao động.

Giám đốc Công ty TNHH Smartwood, ở phố Nguyễn Văn Linh (quận Lê Chân) Phạm Công Định cho biết, tùy thuộc vào từng nhóm mặt hàng để phân ra các loại xưởng chế biến gỗ khác nhau, từ xưởng điêu khắc gỗ tới xưởng mộc, xưởng chế biến gỗ gia dụng… Thiết bị phổ biến nhất tại các xưởng gỗ là máy cắt, máy cưa, máy bóc gỗ. Tuy nhiên, do nhận thức các yếu tố nguy hiểm từ các loại máy còn hạn chế, nên nhiều chủ cơ sở chưa chú trọng đào tạo, huấn luyện về các biện pháp phòng, chống tai nạn, chủ quan trong thao tác với các loại máy cắt, máy cưa, dẫn tới tai nạn đáng tiếc. Bên cạnh đó, do hệ thống nhà xưởng chủ yếu được chuyển đổi mục đích sử dụng từ hệ thống kho, sân vườn hoặc nhà ở, các thiết bị không được bố trí khoa học, khiến người lao động có nguy cơ ngã do trơn trượt, giảm chức năng nghe, nhìn do nhiễm bụi và tiếng ồn dẫn đến tai nạn lao động.

Cần trang bị kỹ năng an toàn lao động

Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tăng Tiến Sơn cho biết, năm 2019, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trương tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn lao động đối với các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ. Qua rà soát thực tế, Thanh tra Lao động thành phố xác định có 25 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề sản xuất, chế biến gỗ đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Đơn vị sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra an toàn lao động, hoàn thành trước tháng 10-2019. Tuy nhiên, bên cạnh số ít những đơn vị hoạt động có đăng ký kinh doanh, còn nhiều cơ sở hoạt động tự phát, quy mô nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn.

Khảo sát thực tế tại một số xưởng chế biến gỗ trên phố Trần Nhân Tông (quận Kiến An), Nguyễn Văn Linh (quận Lê Chân) cho thấy, hầu hết, người lao động chủ yếu ở đây đều từ nông thôn ra làm việc, vừa làm vừa học việc, thiếu kỹ năng, trong khi đó thiết bị, máy móc thiếu đồng bộ, sắp xếp không khoa học. Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an thành phố) Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, trước hết chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa bàn, không để xảy ra tình trạng cơ sở hoạt động “chui”, cũng như khắc phục tình trạng tuyển dụng lao động theo mùa vụ, không ký kết hợp đồng lao động.

Trên cơ sở đó, có thể triển khai các biện pháp phối hợp giữa các ngành như lao động, y tế, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tổ chức nâng cao kỹ năng an toàn cho người lao động. Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng khuyến cáo, trước khi có hướng dẫn chi tiết về bảo đảm an toàn lao động cho các xưởng chế biến gỗ, cần thực hiện một số quy tắc an toàn chung như bắt buộc sử dụng công cụ bảo hộ khi làm việc, niêm yết các quy tắc bảo đảm an toàn khi máy đang vận hành, lắp đặt thiết bị máy móc đạt tiêu chuẩn, sắp xếp vị trí phù hợp với nhà xưởng, bảo đảm lối thoát nạn tại khu xưởng…

Ngoài ra, các bác sĩ khuyến cáo, các lao động và chủ cơ sở sản xuất cần được trang bị kỹ năng sơ cứu ban đầu cũng như bảo quản các phần cơ thể bị tách lìa do tai nạn gây ra như da, xương, ngón tay, chân… Trong trường hợp không nắm được các kỹ năng bảo quản, cần gọi điện tới tổng đài cấp cứu 115 để được hướng dẫn cụ thể.

Phương An – Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: An toàn lao động tại xưởng chế biến gỗ: Còn bị xem nhẹ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác