Tết với những giá trị truyền thống
Một điều không thể phủ nhận, có những giá trị truyền thống Tết cổ truyền mang lại không thể thay thế được. Đó là văn hóa gói bánh chưng, câu đối đỏ, mâm ngũ quả; cúng ông “Công”, ông “Táo”; cúng tất niên, chúc tụng đầu năm và hơn cả là gia đình, người thân cùng đoàn viên, đón tết để gắn kết một cách chặt chẽ mối quan hệ của gia đình, xã hội.
Rồi nữa,Tết còn là dịp để “kết nối âm dương” giữa người sống và người đã khuất. Hết Tết lại kính cẩn mời người đã khuất về thế giới bên kia nên có tục “hóa vàng”.
Những điều này làm nên cái cốt lõi nhân văn quan trọng trong lòng mỗi người dân Việt. Háo hức, mong chờ, hồi hộp khi Tết đến, Xuân về âu cũng là tâm lý chung của bao thế hệ.
Tết “hiện đại”
Tuy nhiên ngày nay, do kinh tế phát triển, hội nhập toàn cầu, nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, người Việt, nhất là lớp trẻ đang có xu hướng chuyển từ “ăn Tết” sang “chơi Tết” tùy vào địa vị xã hội, khả năng của mỗi gia đình. Nếu “chơi Tết” thuở xưa là những lễ hội du xuân; là đi chợ Tết, thăm và chúc họ hàng với những câu cửa miệng: “Năm nay, ăn Tết to không?” hay: “Con cháu có về đông đủ không?” thì giờ câu hỏi đó của nhiều người là: “Tết năm nay đi chơi đâu?”.
Anh Trần Tiến Huy, 35 tuổi, ( ở quận Lê Chân) chia sẻ, năm ngoái do đại dịch gia đình anh không đi du lịch vào dịp Tết được, nhưng năm nay, cả gia đình anh sẽ đi Nha Trang vào đúng Mùng 1. Tết anh Huy là để hưởng thụ bởi làm việc vất vả cả năm rồi.
Có lẽ đối với thế hệ trước, Tết là sự sum họp, là ở nhà đón Tết, cùng nhau bữa cơm “tất niên”; thăm họ hàng sau một năm ít gặp gỡ và hương khói cho người thân đã khuất. Tết đương nhiên là phải có
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Tuy nhiên, không ít người trẻ lại cho rằng, tết “tinh thần” mới là hơn cả: Phải chơi, phải vui…
Hài hòa Tết truyền thống, Tết hiện đại
Tết cổ truyền có lẽ đã biến đổi nhiều so với trước. Song có lẽ đó cũng là một tất yếu trong quy luật vận hành, phát triển của xã hội. Nói gì thì nói, niềm vui chào đón năm mới vẫn còn đó, duy phong tục, tập quán có thể chuyển hoá đôi chút theo thời gian. Có điều, dù có hội nhập, toàn cầu hoá bao nhiêu, chúng ta hãy giữ cho được bản sắc riêng của Tết. Nói một cách khác, vẫn giữ được Tết truyền thống mà vẫn sống Tết hiện đại.
Tại sao nhiều người vẫn lo đủ những giá trị của Tết truyền thống đồng thời vẫn “chơi Tết” một cách thoải mái, hết tầm. Chị Nguyễn Thúy Vân, 42 tuổi, (quận Ngô Quyền) chia sẻ năm nao, gia đình chị cũng dành thời gian đón Tết ở nơi xa. Trước tết, ngày nào được nghỉ thì cả nhà dọn vệ sinh, đi tảo mộ, sắm sửa. Ngày 30 Tết đi thăm họ hàng 2 bên, làm cơm “tất niên”, cúng giao thừa. Sáng mùng 1, vợ chồng con cái sang chúc Tết ông bà nội, ngoại rồi chiều ra sân bay đi du lịch.
Tùy điều kiện mà chọn cách đi chơi xa hay gần. Năm nay, gia đình chị sẽ đi Phú Quốc 3 ngày, từ chiều mùng 1 đến mùng 4 Tết. Mùng 5 về hoá vàng. Về nghi lễ như thắp hương 3 ngày Tết, chị mua hương vòng thắp đủ trong mấy ngày đi vắng. Ngoài ra, các phong tục truyền thống khác như thăm hỏi họ hàng, tảo mộ, hóa vàng,… luôn được giữ mà vẫn thỏa được nguyện vọng đi du lịch của con cái…
Tết hiện đại có lẽ đang dần trở thành xu hướng, được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Đó là một cái Tết đơn giản, không cầu kì, đầy những trải nghiệm mới và tận hưởng cùng nhau nhưng vẫn giữ được hồn cốt những ngày đầu Xuân. Tuỳ vào hoàn cảnh và điều kiện mà mỗi gia đình “ăn Tết” và “chơi tết” theo cách riêng để kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Lan Chinh
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More