Phát triển nền tảng số, hạ tầng số, dữ liệu số
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính ở huyện luôn được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Huyện uỷ – UBND huyện quan tâm chỉ đạo, đầu tư mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại ứng dụng vào hoạt động điều hành nói chung và phục vụ nhiệm vụ cải cách hành chính nói riêng.
Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện được quan tâm, đầu tư. 100% cơ quan nhà nước ở cấp huyện và xã thị trấn đều được trang bị máy tính kết nối Internet. Bộ phận 1 cửa của huyện và các xã thị trấn được trang bị đầy đủ máy tính, máy in, máy scan, photo, hệ thống camera giám sát bảo đảm triển khai hệ thống một cửa điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bằng nguồn xã hội hóa, huyện trang bị hệ thống truyền hình trực tuyến cho các xã thị trấn để họp triển khai công việc theo hình thức trực tuyến. Tại UBND các xã thị trấn, phần mềm văn phòng điện tử được vận hành khai thác hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, huyện An Lão tập trung đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn huyện, trong đó tập trung phát triển hạ tầng viễn thông, sóng di động, cáp quang đến 100% các xã, thị trấn; hoàn thành phổ cập mạng di động 4G; triển khai các giải pháp để phổ cập điện thoại di động thông minh trên địa bàn huyện.
Hệ thống mạng nội bộ tại trung tâm hành chính huyện được quan tâm nâng cấp. Huyện đã phát triển, nâng cấp hạ tầng mạng LAN, WAN, mạng Internet của các cơ quan, kết nối mạng TSLCD, bảo đảm vận hành ổn định, hiệu quả, có tính dự phòng và sẵn sàng cao không bị gián đoạn kết nối và được kiểm soát đến từng nút mạng; đồng thời phối hợp với các nhà mạng Vinaphone, Viettel, Mobifone xoá các vùng lõm sóng tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; lắp đặt hệ thống Wifi miễn phí (tốc độ cao) phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch tại bộ phận Một cửa và trụ sở của các đơn vị: thị trấn An Lão, thị trấn Trường Sơn, xã Tân Dân và Chiến Thắng.
Song song việc đầu tư hạ tầng cơ sở, đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ ở bộ phận 1 cửa, văn phòng điện tử thường xuyên được tập huấn sử dụng thành thạo máy vi tính, phần mềm chuyên ngành. Từ sự liên kết do công nghệ thông tin tạo ra trong bộ máy hành chính mà cán bộ thụ lý hồ sơ nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đồng thời giúp việc tra cứu, tìm kiếm, in ấn, thống kê báo cáo được dễ dàng hơn.
Đẩy mạnh phát triển 3 trụ cột chuyển đổi số
Nhờ sự đồng bộ trong phát triển nền tảng số, hạ tầng số và con người, thời gian qua, huyện An Lão đã đẩy mạnh phát triển Chính quyền số, Xã hội số và Kinh tế số đạt kết quả tích cực.
Cùng với việc phối hợp triển khai Mạng truyền số liệu chuyên dùng thành phố Hải Phòng; triển khai Kỳ họp không giấy…, huyện An Lão sử dụng có hiệu quả Hệ thống Quản lý văn bản điều hành trong các cơ quan hành chính nhà nước từ huyện đến xã, thị trấn tạo thành hệ thống liên thông trong việc gửi, nhận và xử lý văn bản điện tử trên địa bàn huyện. Các văn bản đều được ký số bằng chữ ký số chuyên dùng của Cục chứng thư và bảo mật thông tin – Ban cơ yếu chính phủ. Năm 2023, tất cả các văn bản đi của huyện đều được gửi hoàn toàn dưới dạng điện tử (đạt 100%); 100% xã, thị trấn đã triển khai ứng dụng chữ ký số để gửi nhận văn bản điện tử giải quyết công việc; tỷ lệ văn bản điện tử được ký số cá nhân của lãnh đạo UBND huyện đạt 91,89%.
Thời gian qua, huyện An Lão luôn duy trì hiệu quả Cổng thông tin điện tử huyện để cung cấp các văn bản chỉ đạo, điều hành; 100% số thủ tục hành chính trên địa bàn, dịch vụ công trực tuyến được công khai cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, trang thông tin điện tử 17 xã, thị trấn được tạo lập để cung cấp thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của đơn vị; giới thiệu quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, lễ hội, truyền thống địa phương. Cùng với đó, phần mềm Một cửa điện tử từ cấp huyện đến các xã, thị trấn được duy trì, triển khai có hiệu quả. Toàn huyện có 17/17 xã, thị trấn vận hành phần mềm Một cửa điện tử, đạt 100%. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính công dân, doanh nghiệp nộp trực tuyến mức độ 3,4 và được xử lý trực tuyến mức độ 3,4 đạt trên 95%.
Cùng với phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số được huyện triển khai thông qua việc tích hợp đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử phục vụ doanh nghiệp, người dân và du khách; tập huấn, hướng dẫn sử dụng và vận hành hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt tại bộ phận một cửa của huyện và các xã, thị trấn.
UBND huyện chỉ đạo Đoàn thanh niên triển khai mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống trên địa bàn huyện. Đồng thời thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, cập nhật quy trình ISO theo hướng đơn giản hoá các thủ tục, giảm thời gian và chi phí công khai thủ tục, hướng dẫn trên cổng thông tin điện tử. Trên Cổng thông tin điện tử huyện có chuyên mục riêng dành cho Doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin hoạt động liên quan, có đường dẫn để khai và nộp thuế điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư kinh doanh trên địa bàn.
Phát triển xã hội số, huyện đã đầu tư hạ tầng băng rộng cáp quang, kết nối Internet đã được phủ đến 17/17 xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi để người dân kết nối, phục vụ thực hiện thủ tục hành chính, thanh toán trực tuyến trên môi trường số. Hệ thống các trường học trên địa bàn huyện triển khai phần mềm quản lý nguồn thu chi, phần mềm tuyển sinh online phục vụ công tác học đường; Hệ thống quản lý giáo dục, lớp học thông minh, trường học thông minh được xây dựng; đồng thời ứng dụng các nền tảng số để cung cấp các dịch vụ số cho người dân trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Đến nay, tất cả các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện đều đã áp dụng chuyển đổi số triển khai hệ thống thu 10 không dùng tiền mặt và thực hiện ứng dụng các phần mềm vào quản trị hoạt động của đơn vị. Các trường học đã làm sạch dữ liệu cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh; làm giầu kho dữ liệu thiết bị dạy học số dùng chung (60 sản phẩm đạt giải trong cuộc thi xây dựng Thiết bị dạy học số); 1082 cán bộ quản lý, giáo viên TH, THCS được bồi dưỡng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 qua các phần mềm trực tuyến LMS.
UBND huyện cũng triển khai phổ biến các tài liệu và Khoá bồi dưỡng “Phổ cập kỹ năng số cộng đồng” tới thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và người dân địa phương; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn/tổ dân phố; gắn QR Code tại các di tích lịch sử được công nhận trên địa bàn các xã, thị trấn: xã An Thái, An Thọ, Trường Thành, Trường Thọ, Bát Trang và Quang Trung.
Với những nỗ lực cố gắng của huyện trong công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính, năm 2023 huyện An Lão duy trì xếp ở vị trí thứ 4 trong tổng số 15 quận huyện về chỉ số cải cách hành chính. Đây cũng là một trong những minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn huyện.
TÚ QUYÊN
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More