Print Thứ Sáu, 04/09/2020 12:30 Gốc

Tình hình dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia trên thế giới có dấu hiệu gia tăng trở lại. Đáng lo ngại, số ca bệnh mắc và tử vong theo ngày tại Ấn Độ tiếp tục đứng đầu thế giới, có khả năng đưa Ấn Độ trở thành tâm dịch mới của thế giới.

Ấn Độ liên tiếp lập kỷ lục về dịch bệnh COVID-19

Trong 1 tuần trở lại đây, Ấn Độ liên tiếp lập kỷ lục thế giới về dịch COVID-19. Vào cuối tháng 8, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có gần 80.000 người mắc COVID-19 trong 1 ngày kể từ khi đại dịch xuất hiện, kỷ lục trước đó thuộc về Mỹ được thiết lập vào ngày 16/7 với 77.255 trường hợp mắc bệnh trong 24 giờ.

Sau 5 ngày liên tiếp xác lập kỷ lục về số ca mắc COVID-19, Ấn Độ lại “ghi tên mình” trở thành quốc gia có mức tăng nhanh nhất thế giới ca mắc dịch. Tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 ở quốc gia 1,4 tỉ dân này tăng theo cấp số nhân. Ấn Độ chỉ mất 6 tháng đạt tới mốc 1 triệu ca bệnh, sau đó 3 tuần đạt 2 triệu người và chỉ vỏn vẹn 16 ngày, quốc gia Nam Á này đã cán mốc 3 triệu ca bệnh. Hiện Ấn Độ có 3,8 triệu người mắc COVID-19, bám sát Brazil. Với tốc độ này, Ấn Độ sẽ nhanh chóng vượt qua Brazil – quốc gia đang có 4 triệu ca COVID-19 để trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới về dịch COVID-19.

Tuy nhiên, số người tử vong vì dịch tại Ấn Độ chỉ bằng một nửa Brazil với hơn 67.000 người chết, chiếm tỉ lệ 1,75%, trong khi đó, số ca khỏi bệnh của quốc gia này rất lớn, đạt 76,5%. Theo các chuyên gia, Ấn Độ đang là ổ dịch lớn nhất châu Á và có nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới.

Ấn Độ có 8 bang nằm trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh, đóng góp 73% số ca bệnh. Đáng chú ý, một số vùng có tỉ lệ tử vong cao hơn so với cả nước như Punjab (có tỉ lệ tử vong tới 2,8%), đến mức người đứng đầu ngành y tế địa phương này – ông B.Singh Sidhu đã kêu gọi người dân đi xét nghiệm khi có triệu chứng bởi chậm xét nghiệm và điều trị là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tử vong cao. Theo dự báo, tháng 9 này sẽ là tháng khó khăn nhất đối với Ấn Độ bởi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và lan ra các vùng nông thôn xa thành thị.

Dù dịch bệnh còn phức tạp, Ấn Độ áp dụng các biện pháp nới lỏng hạn chế.

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, một trong những nguyên nhân dẫn đến số ca bệnh tại Ấn Độ tăng vọt là nước này tiến hành gần 1 triệu xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày, tăng đáng kể so với mức 200.000 xét nghiệm/ngày của 2 tháng trước. Bên cạnh đó, việc mở cửa trở lại, nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm phục hồi nền kinh tế từ đầu tháng 9 cũng là nguyên nhân khiến số ca bệnh tăng lên.

Mở cửa để cứu nền kinh tế

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc Ấn Độ nới lỏng các biện pháp hạn chế là quyết định “không thể chậm trễ” bởi nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này đã bị “trọng thương” với 140 triệu người mất việc, tỉ lệ thất nghiệp tăng chưa từng có (tới 26%), người dân không có lương thực, thực phẩm, thậm chí nền kinh tế Ấn Độ được cho là thiệt hại nặng nhất thế giới vì COVID-19.

Bộ Nội vụ thông báo, Ấn Độ sẽ bước vào một giai đoạn mới mở cửa trở lại từ ngày 1/9, nới lỏng hạn chế “giai đoạn 4”, theo đó, nối lại dịch vụ tàu điện ngầm vào ngày 7/9, các hoạt động thể thao, giải trí, văn hóa, tôn giáo, chính trị với các cuộc tụ tập tối đa 100 người sẽ được cho phép từ ngày 21/9 tới. Song song với đó, Chính phủ Ấn Độ yêu cầu người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói: “Virus Corona chỉ có thể bị đánh bại khi bạn vẫn an toàn, khi bạn quyết tâm giữ khoảng cách an toàn 2m với mọi người và đeo khẩu trang”. Các trường học và cao đẳng sẽ vẫn đóng cửa cho đến cuối tháng 9, học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 có thể tự nguyện quay lại trường học.

Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal cho rằng, đây là thời điểm để vực dậy nền kinh tế. Ấn Độ đã ban hành các biện pháp hạn chế từ cuối tháng 3, đến nay, dù tình hình dịch bệnh đang trong xu hướng tăng nhưng trước sức ép kinh tế, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này phải ra một quyết định khó khăn là nới lỏng phong tỏa để vực dậy nền kinh tế.

Trần Hải

((theo AP, CNN, Timeofindia))

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ấn Độ nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác