Print Thứ bảy, 26/01/2019 22:41

Với vở diễn “Hào khí Bạch Đằng Giang”, sau hơn 40 năm, kể từ khi ra mắt vở diễn “Tấm vóc Đại Hồng”, Đoàn chèo Hải Phòng mới có vở diễn về đề tài lịch sử cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thời nhà Trần, thể hiện sự nối tiếp, khẳng định truyền thống của sân khấu chèo đất Cảng. Nghệ sĩ Vũ Huy Thành, Trưởng Đoàn Chèo Hải Phòng, tác giả kịch bản vở chèo lịch sử vừa ra mắt tại Nhà hát thành phố, trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng về vở diễn này.

 

– Ý tưởng nào để anh viết kịch bản vở diễn “Hào khí Bạch Đằng Giang”?

 

– Tôi bắt tay viết vở diễn này từ năm 2012, với tên ban đầu là “Âm vang Bạch Đằng”, từ khi chưa hình thành Khu di tích Bạch Đằng Giang ở thị trấn Minh Đức (huyện Thủy Nguyên). Kịch bản mong muốn được tái hiện tóm lược trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng lần thứ ba năm 1288. Bởi vì đây là một trong những trận đánh oanh liệt nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, một trong ba trận  thắng lẫy lừng diễn ra trên dòng sông Bạch Đằng, đi vào sử sách, thơ ca và huyền thoại. Sông Bạch Đằng nằm giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Nếu người Quảng Ninh tự hào là nơi có miếu Vua Bà, có bãi cọc, người Hải Phòng lại tự hào có dãy núi đá Tràng Kênh, có những địa danh, những con người đã ghi vào lịch sử, nơi tập hợp tổng thể chuẩn bị trận chiến, nơi Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn nghiên cứu thế trận, bài binh bố trận trên sông Bạch Đằng để tiêu diệt toàn bộ quân thù. Phần lớn các kịch bản văn học viết về đề tài lịch sử thường tái hiện trọng tâm vào các sự kiện về triều chính, về những nhân vật lịch sử. Bên cạnh sự kiện, nhân vật chính, vở chèo “Hào khí Bạch Đằng Giang” còn nêu bật sự đóng góp đáng kể của nhân dân bản địa, một số nhân vật ghi danh vào lịch sử mà ngày nay được lấy tên để đặt cho đường phố và các địa danh.

 

 

Cảnh trong vở “Hào khí Bạch Đằng Giang” của Đoàn Chèo Hải Phòng. Ảnh: Đỗ Hiền

 

– Để sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật sân khấu về đề tài lịch sử, điểm khó nhất theo anh là gì?

 

– Kịch bản về đề tài lịch sử thường “khô cứng” bởi các sự kiện, nhân vật có thật không thể hư cấu sai với lịch sử. Trong khuôn khổ như vậy, kịch bản về đề tài lịch sử rất khó sáng tạo. Để một kịch bản văn học trở thành một vở diễn sân khấu, ngay từ đầu phải tưởng tượng các sự kiện, lựa chọn tình tiết để xây dựng bố cục, xây dựng nội dung tư tưởng và tạo được sự hấp dẫn đối với người xem.

 

Vở chèo “Hào khí Bạch Đằng Giang” được xây dựng bố cục gồm 5 cảnh: cảnh làng hoa ven kinh đô Thăng Long yên bình; cảnh kinh thành Thăng Long “vườn không, nhà trống”, nơi diễn ra cảnh xâm lược bạo tàn của giặc Nguyên-Mông; cảnh Chùa Vẽ (Linh Độ tự), nơi Hưng Đạo Đại vương nghiên cứu địa hình, vẽ bản đồ chuẩn bị trận Bạch Đằng; cảnh thiên nhiên thôn quê vùng núi đá Tràng Kênh bên sông Bạch Đằng trong không khí sôi nổi chuẩn bị chiến trận và cảnh dòng sông, nơi diễn ra trận Bạch Đằng nhìn từ đỉnh núi U Bò, nơi Hưng Đạo Đại vương chỉ huy chiến trận. Những sự kiện, nhân vật chính bám sát, tôn trọng giá trị lịch sử trên cơ sở nghiên cứu tư liệu trong nước và nước ngoài để đạt được tính sát thực cao nhất. Có thể nói, vở chèo “Hào khí Bạch Đằng Giang” khắc họa nhân vật lịch sử sắc nét và khái quát toàn bộ diễn biến của quá trình quân ta chống giặc Nguyên-Mông xâm lược trên sông Bạch Đằng năm 1288. Vở chèo nêu được một quan điểm lớn, có tính quy luật từ cổ chí kim vẫn nguyên giá trị, đó là “quốc dĩ dân vi bản”, tức là lấy dân làm gốc. Trong trận thủy chiến này, nhà Trần tạo được niềm tin với dân, dựa vào sức dân để cộng hưởng thành sức mạnh phi thường, có được chiến thắng đảo ngược tình thế, vang mãi muôn đời.

 

Tuy nhiên, vì là tác phẩm nghệ thuật nên có những nhân vật hư cấu để bổ trợ cho hệ thống nhân vật chính và làm đầy thêm sự kiện. Câu chuyện tình yêu giữa chàng Trần Kim và cô thôn nữ Ngọc Lan, nhân vật cô Lủi trong giai thoại có tính cách, có lớp diễn hài hước nhằm làm mềm hóa vở diễn lịch sử, tạo sự gắn kết giữa các nhân vật, tình huống, lớp kịch.

 

 

– Tại sao kịch bản văn học được anh viết năm 2012, đến năm nay mới được dựng vở và đạo diễn, Đoàn có cách dàn dựng như thế nào?

 

– Vì “Hào khí Bạch Đằng Giang” là vở diễn lịch sử nên cần sự đầu tư lớn về kinh phí và lực lượng diễn viên phải hùng hậu. Có lẽ đến thời điểm này, vở diễn mới thực sự gặp các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Cụ thể, năm nay, Đoàn Chèo Hải Phòng thực hiện hai chương trình nhỏ vào đêm giao thừa xuân Mậu Tuất và Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân đều bằng kinh phí xã hội hóa. Đó là cơ sở để Đoàn dồn kinh phí thực hiện vở diễn lớn. Mặt khác, năm nay tròn kỷ niệm 730 năm Chiến thắng quân Nguyên-Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288. Cảm nhận ý nghĩa lớn lao của kịch bản văn học, đạo diễn Trần Thị Hoàng Mai, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao đánh giá cao chất lượng nội dung kịch bản văn học và quyết tâm vận động các nhà tài trợ, cùng ê kíp sáng tạo dàn dựng vở diễn.

 

Điểm nổi bật trong quá trình dàn dựng vở diễn chính là huy động phần lớn nội lực của Hải Phòng. Đạo diễn, tác giả kịch bản là lãnh đạo Sở, lãnh đạo Đoàn. Biên đạo múa và các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Chèo Hải Phòng đảm nhận các nhân vật chính, còn có sự phối hợp, cộng tác của các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Hải Phòng, Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch và Liên đoàn võ thuật Hải Phòng nỗ lực tập luyện suốt 5 tháng, có những buổi hợp luyện huy động trên dưới 100 người tham gia. Ở vở diễn này, đạo diễn mạnh tay khi đầu tư hàng trăm bộ trang phục mới cho các nhân vật, góp phần tạo sự tươi mới, hoành tráng cho vở diễn.

 

-Trân trọng cảm ơn nghệ sĩ !


Đông Hải – Báo Hải Phòng 23/10/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Âm vang “Hào khí Bạch Đằng Giang”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác