Print Thứ Năm, 21/03/2019 15:20

Trong tiết trời se se lạnh, bát sủi dìn thơm mùi gừng tươi, ngọt bùi vị đường của mật mía và nếp cứ quấn quýt quanh mình, làm người thưởng thức thấy ấm lòng.

Thành phố Bắc Kạn khi lên đèn tấp nập hơn hẳn vì những hàng quán ăn chiều, ăn đêm đã nổi lửa đợi thực khách. Một nhóm học trò ríu rít gọi nhau, tấp lại một quán ven đường với tấm biển chào hàng: “Sủi dìn sắc màu”. Ngồi quây quần bên chiếc bàn nhỏ, gương mặt ai cũng háo hức đợi người bán hàng múc những chén nước đường nóng hổi vào bát sủi dìn nhiều màu sắc. Hít hà hơi ấm của nồi nước, sực nức vị gừng tươi, lại thêm tiếng cười đùa trêu chọc cứ quanh quẩn trong không gian nhỏ bé xua tan đi cái giá rét miền cao.

Sủi dìn đựng trong một tô nhỏ, gần giống với bánh trôi tàu vẫn bán ở những con phố Hà Nội. Nhưng viên sủi dìn được nặn nhỏ hơn, với nhiều sắc màu đỏ, hồng, vàng, trắng… nổi bật trong bát nước đường mía đỏ đậm nhìn rất thích mắt. Đây không phải là đặc sản của riêng Bắc Kạn. Ở một số thành phố như Hải Phòng, Lạng Sơn hay những vùng biên giới đều có phổ biến món ăn này vào mùa đông, có nguồn gốc từ cộng đồng người Hoa sinh sống và lưu truyền. Tuy nhiên, mỗi vùng lại có những công thức riêng, với những đặc trưng từ nguyên liệu, chất lượng gạo, chọn màu sắc khác nhau… vẫn tạo nên những hương vị riêng có của vùng đất ấy.

Như lời của chị Nguyễn Thị Hải Hà, chủ nhân của hàng “Sủi dìn sắc màu tại thành phố Bắc Kạn, để có một nồi sủi dìn ngon như ý, nguyên liệu bao gồm bột nếp, vừng đen, dừa nạo, gừng tươi, đường hoặc mật mía. Các thành phần chính như gạo nếp, mật mía chị phải kỳ công chọn lựa, đặt riêng từ huyện mang lên. Loại gạo được chọn để làm vỏ bánh phải là loại nếp miền núi, hạt đều, to tròn, phơi được nắng để giữ mùi thơm đặc trưng. Một bát vừng đen, lạc rang giã nát, cùi dừa nạo đã sẵn sàng làm nhân bánh. Để làm nên những màu sắc xanh đỏ bắt mắt cho những viên sủi dìn, nhất định không thể thiếu những chất làm màu thiên nhiên như lá dứa tạo màu xanh, ruột gấc làm nên sắc đỏ, hay màu vàng tươi của nghệ…trộn đều cùng bột gạo nếp. Nặn sủi dìn là công đoạn lâu và tỉ mỉ nhất của người làm. Mỗi viên sủi dìn nhỉnh hơn viên bánh trôi nước chút xíu, ăn vừa miệng chứ không phải xắn miếng như bánh trôi tàu, vẫn bọc đủ các thành phần nhưng cần vo tròn đều tăm tắp, khi thả vào nồi nước bánh không bị vỡ nát. Bột bánh đạt yêu cầu phải nở, dai, mềm và bùi.

Thành phần không thể thiếu làm nên hương vị trọn vẹn của bát sủi dìn sắc màu, cũng làm nên đặc trưng món ngon mùa giá rét chính là những thìa nước đường pha gừng và mật mía ngọt lịm, ấm nóng. Gừng miền núi cay nồng, lượng tinh dầu lớn được nướng lên rồi mới giã nhỏ, bỏ vào nồi nước, khi nếm thấy sực lên đầu lưỡi. Đường mía giữ được vị ngọt tự nhiên, ngọt thanh chứ không gắt, hòa điệu với gừng kích thích khứu giác trước nhất, rồi mới tới thị giác, vị giác. Màu đường đun lên sóng sánh màu vàng cánh gián, dùng ăn chan đẫm trong bát, càng làm nổi bật những màu sắc sặc sỡ của viên sủi dìn.

Những viên sủi dìn mềm dai, dẻo thơm hòa quyện với vị béo, bùi của vừng đen, dừa, lạc cùng nước dùng ngọt thanh… làm nên vị hấp dẫn, mê mẩn thực khách.

Minh Khuê

Nguồn. Báo Du lịch

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ấm áp món sủi dìn sắc màu ở Bắc Kạn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác