Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cho biết đã phát hiện các vấn đề về ngữ liệu trong sách Tiếng Việt lớp 1 và khuyến cáo nhưng nhóm tác giả viết sách đã không đồng ý sửa.
Dù qua hai vòng thẩm định nhưng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 chỉ đưa vào trường học một tháng đã bộc lộ những “hạt sạn”. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là vai trò của hội đồng thẩm định ở đâu? Ai chịu trách nhiệm cho vấn đề này?
Bộ trưởng: Tôi chịu trách nhiệm
Sách lớp 1 của năm học 2020-2021 là bộ sách đầu tiên thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, đây cũng là bộ sách đầu tiên được biên soạn theo phương thức xã hội hóa. Các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sẽ được quyền viết sách, nhưng để sách được đưa vào các nhà trường sẽ phải được hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định. Sau khi thẩm định, hội đồng sẽ trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định phê duyệt. Sách được Bộ trưởng phê duyệt mới đủ điều kiện đưa vào giảng dạy trong các nhà trường.
Theo khoản 2, Điều 32, Luật Giáo dục được Quốc hội ban hành năm 2019 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định sách giáo khoa. Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
Điều 32, Luật Giáo dục quy định: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Tại cuộc họp tại Trụ sở Chính phủ vào chiều 12/10 về việc xử lý các ý kiến về Sách tiếng Việt lớp 1 mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói: “Bản thân tôi chịu trách nhiệm về sách giáo khoa và chương trình nhưng tôi cũng không phải là người có chuyên môn mà theo quy định thì hội đồng thẩm định giúp cho Bộ trưởng, tôi chỉ đạo nghiêm túc theo đúng quy định. Đến nay thì đã thực hiện theo đúng quy trình đó“.
Cũng theo ông Nhạ, việc sách có “sạn” là điều khó tránh khỏi. Lãnh đạo ngành giáo dục cũng bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân với tinh thần cầu thị để có thể chỉnh sửa cho sách ngày càng tốt lên.
Hội đồng thẩm định nói gì?
Cũng tại Điều 32 Luật Giáo dục sửa đổi quy định: “Hội đồng và thành viên hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định“. Tuy nhiên, mới đây, giáo sư Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch hội đồng thẩm định Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 đã lên tiếng khẳng định “chủ biên và nhóm tác giả sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung sách” trước những vấn đề đang bị dư luận chỉ ra.
Theo giáo sư Mai Ngọc Chừ, khi thẩm định sách giáo khoa, Hội đồng thẩm định đã thấy được các vấn đề như dư luận đề cập và đã có khuyến cáo với nhóm tác giả nên thay ngữ liệu. Tuy nhiên, các tác giả vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Điều này đã được ghi vào biên bản thẩm định.
Cũng theo giáo sư Chừ, khi thẩm định có ba cấp độ: chưa phù hợp, phù hợp trung bình và phù hợp cao. Những nội dung chưa phù hợp, hội đồng thẩm định sẽ yêu cầu các tác giả sửa chữa và bắt buộc phải sửa chữa. Tuy nhiên, nội dung phù hợp ở mức trung bình nhưng không sai thì hai bên sẽ trao đổi và hội đồng tôn trọng ý kiến của nhóm tác giả. Lấy ví dụ cụ thể ở chuyện ‘Hai con ngựa’, ông Chừ cho biết hội đồng đã góp ý, tuy nhiên, quan điểm của nhóm tác giả là khi dạy trên lớp cô giáo sẽ giúp học sinh hiểu rằng lừa lọc sẽ phải trả giá, các em phải sống chân thật, chăm chỉ. “Nhóm tác giả không sai nên chúng tôi cũng không thể bắt sửa”, giáo sư Chừ phân trần.
“Tất cả các vấn đề đã nêu hội đồng đều đã cập đến chứ không phải không biết như mọi người nói. Nguyên tắc là tất cả các những điểm sai thì phải sửa. Hội đồng làm việc rất nghiêm túc, cẩn trọng. Chúng tôi khẳng định tất cả các bộ sách đều không có gì sai. Tất cả những cái sai đã được chỉ ra và sửa chữa. Có gì sai thì hội đồng phải chịu trách nhiệm, nhưng mức độ phù hợp cao hay tương đối phù hợp thì chúng tôi đã khuyến cáo rồi và người ta vẫn giữ quan điểm thì không thể nói là trách nhiệm của hội đồng”, ông Chừ nói.
Cũng theo giáo sư Mai Ngọc Chừ, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hội đồng sẽ họp một cách nghiêm túc, rà soát lại tất cả các vấn đề dư luận đặt ra. Phó chủ tịch hội đồng thẩm định Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 cũng mong được lắng nghe ý kiến đóng góp của giáo viên, phụ huynh, nhất là các giáo viên và phụ huynh học sinh lớp 1.
Là người luôn theo sát các chương trình đổi mới giáo dục, tiến sỹ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục tiểu học cho rằng tuy thành viên hội đồng thẩm định được chọn lọc rất kỹ nhưng cơ cấu chưa hợp lý. Thành viên hội đồng thẩm định có cả các chuyên gia và các giáo viên thì đa số các giáo viên sẽ là học trò của các chuyên gia. Điều đó sẽ khiến cho các giáo viên có thể không dám nêu ý kiến cá nhân, nhất là khi các ý kiến đó trái ngược lại ý kiến chuyên gia, từ đó làm cho việc thẩm định thiếu tính chuẩn xác.
“Theo tôi nên có hai vòng thẩm định với hai nhóm, một vòng là các chuyên gia, một vòng dành cho các giáo viên tiểu học. Các chuyên gia sẽ nói về các vấn đề hàn lâm, tri thức sâu sắc nhưng các giáo viên sẽ nói về thực tiễn, có phù hợp với tâm sinh lý học sinh, trình độ nhận thức của học sinh hay không”, bà Hương nói.
Hà An (Vietnam+)