Phát biểu khai mạc Diễn đàn Logistics 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Logistics là ngành dịch vụ được ví như mạch máu của nền kinh tế quốc dân, luôn duy trì mức tăng trưởng 2 con số, từng bước khẳng định được thương hiệu và vị thế của ngành trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử phát triển nhanh Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển dịch vụ logistics”.
Nhận thức được vấn đề đó, nhiều năm qua Chính phủ đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách để khắc phục khó khăn, thúc đẩy logistics phát triển. Với sự quan tâm sát sao của Chính phủ, thực hiện nghiêm túc của các Ban, Bộ, ngành, đặc biệt là sự nỗ lực vượt bận của các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng 2 con số, duy trì vị thế của ngành trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, ngành logistics còn nhiều điểm nghẽn, tồn tại. Đó là, chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Đặc biệt sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và những bất cập, thiếu tính kết nối về hạ tầng là những “điểm nghẽn” lớn kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ rõ.
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 là sự kiện thường niên, được tổ chức lần thứ 10 từ năm 2013 trở lại đây với tiêu đẩy mạnh phát triển ngành logistics, tạo liên kết với các ngành sản xuất thương mại trong nước và xuất nhập khẩu. Qua 9 lần tổ chức Diễn đàn đã khẳng định được uy tín và nhận được sự đánh giá cao của các địa phương, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Diễn đàn năm nay với chủ đề “Logistics xanh” với mối quan tâm của Chính phủ trong đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh hóa, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Ngoài phiên toàn thể, Diễn đàn năm nay còn có 2 phiên chuyên đề về “Tối ưu hoá chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn” và “Logistics Việt Nam chủ động thích ứng với bối cảnh mới”.
“Đây là những nội dung rất quan trọng, có tính thời sự thiết thực đối với sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay bởi phát triển logistics xanh là xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành”, ông Diên nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thách thức đặt ra với ngành logistics là rất lớn trong việc xanh hóa hoạt động của chuỗi cung ứng, tích cực đẩy mạnh cải tiến quy trình hoạt động, đầu tư công nghệ nhằm cải thiện hiệu suất chuỗi cung ứng đi đôi với cải thiện môi trường và phát triển bền vững…
“Nhiệm vụ đặt ra là làm sao tiếp tục có tư duy thống nhất, đảm bảo vai trò logistics trong chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ toàn cầu khi mà địa chính trị, xung đột vũ trang, có tính thường xuyên không dự báo được. Câu chuyện là chúng ta phải khẳng định mình qua chất lượng, tiến vào thị trường và khẳng định chuỗi cung ứng quan trọng”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định.
Trong thời gian tới, ông Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, cơ quan liên quan tiếp tục tập trung cụ thể hóa và tham mưu thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm đáp ứng những yêu cầu phát triển của lĩnh vực này trong bối cảnh và tình hình mới. Trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường…
Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết: “Diễn đàn là cơ hội để thành phố Hải Phòng có thể nắm bắt được những ý tưởng mới, tham khảo thêm các kinh nghiệm thực tiễn tốt và khuyến nghị chính sách nhằm phát huy hơn nữa những lợi thế, nâng cao vai trò của dịch vụ logistics trong cơ cấu kinh tế của thành phố, tăng cường kết nối và tạo sự lan tỏa trong khu vực”.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng đã nêu 5 giải pháp đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics. Đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực cảng biển, logistics; Tăng cường thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng; Quy hoạch và xây dựng các khu logistics tập trung, có quy mô lớn, gắn với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh; Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng, giao thông trọng điểm, có tính liên kết vùng như Các bến còn lại của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối đến các địa phương…; Nghiên cứu xây dựng, phát triển một số cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ lĩnh vực dịch vụ logistics.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, cũng đã diễn ra Lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển dịch vụ logistics năm 2022. Đồng thời, công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2022.
Cùng đó cũng diễn ra Lễ ký kết một số Bản ghi nhớ hợp tác giữa: Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam – Hiệp hội Logistics Hải Phòng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam – Vietravel Airlines, BW Industrial Development – Deep C, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – T&Y SuperPort Vĩnh Phúc.
Logistics là một ngành dịch vụ tiêu thụ năng lượng và phát sinh khí thải lớn. Việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics song hành với tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sang các sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu có khả năng tái chế là một nhiệm vụ lớn với ngành dịch vụ logistics. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP-26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một mục tiêu rất quan trọng, đòi hỏi tính trách nhiệm và sự tham gia mạnh mẽ của các ngành, trong đó có logistics.
Thanh Sơn
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More