Giáo dục

9X Hải Phòng giành học bổng tiến sĩ toàn phần tại 7 trường đại học danh tiếng thế giới

Nụ cười thân thiện, vẻ ngoài giản dị, dễ mến là ấn tượng ban đầu về chàng trai 22 tuổi Nguyễn Xuân Bách, cựu học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng. Bách hiện đang học tại Đại học Nagoya (Nhật Bản) và vừa được nhận học bổng tiến sĩ toàn phần tại 7 trường đại học tốt nhất thế giới, trong đó có trường đại học danh tiếng Harvard (Mỹ)…

Đam mê khoa học

Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng trong một gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, mẹ là chủ doanh nghiệp, bố công tác trong ngành công an, nhưng Nguyễn Xuân Bách không dựa dẫm vào bố mẹ mà luôn có ước mơ riêng của mình và nỗ lực, miệt mài để thực hiện ước mơ đó. Ước mơ của Bách là trở thành giáo sư để vừa có thể nghiên cứu, cống hiến cho khoa học vừa đào tạo ra nhiều nhà khoa học tương lai. Để hiện thực hóa ước mơ của mình, ngay từ nhỏ, Nguyễn Xuân Bách đã lên lộ trình và hoạch định hướng đi cho mình bằng sự tự lập và nỗ lực không ngừng để đạt được mục tiêu trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Nguyễn Xuân Bách và học sinh của mình ở một trường tiểu học tại thành phố Utsonomiya (Nhật Bản).

Những mục tiêu Bách đặt ra và lần lượt chinh phục được đó là huy chương vàng Hóa học Hoàng gia Úc năm lớp 8; giải nhì quốc gia môn Hóa năm lớp 11, chứng chỉ IELTS, tấm giấy thông hành để mở ra sự nghiệp học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, với số điểm đáng nể: 8.5 và cuối cùng là học bổng toàn phần của Đại học Nagoya (Nhật Bản)! Đáng nói, Bách là học sinh xuất sắc tiêu biểu của thành phố, 2 lần được biểu dương tại Khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 2016 và 2017.

Nguyễn Xuân Bách.

Nguyễn Xuân Bách cho biết, ở Đại học Nagoya, anh nghiên cứu về khoa học thần kinh với đề tài nghiên cứu về cơ chế phân tử của đột biển gen gdp-2 trong loài C.elegans cùng giáo sư Young You tại Viện Thần kinh, Khoa Sinh học. Thực ra, Bách chưa có nhiều kiến thức về sinh học nhưng vì nhận thấy ngành sinh học thực sự quan trọng và có quá nhiều điều bí ẩn chưa được giải đáp nên quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu ngành này (trước đó Bách học ngành Hóa học. Anh cho rằng cách nhìn nhận, đánh giá và giải thích các vấn đề về sinh học bằng kiến thức hóa học thực sự hiệu quả cao hơn và đây cũng thể hiện tầm quan trọng của khoa học liên ngành.

Tháng 10-2019, Bách tham gia báo cáo khoa học tại hội nghị khoa học thần kinh lần thứ 7 tại Đại học Nagoya. Hiện, anh đang cùng giáo sư Kenichirro Itami nghiên cứu về sự tổng hợp vật liệu nano liên hợp với peptide và ứng dụng loại vật liệu mới này trong sinh học.

Trước đó, trong kỳ nghỉ hè, nghỉ xuân năm 2018, 2019, Bách trở về Việt Nam tham gia nghiên cứu tổng hợp hữu cơ các hợp chất trifluoromethyl epoxide cùng tiến sĩ Phạm Văn Phong (Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội), người huấn luyện anh trong kỳ thi học giỏi quốc gia hóa học trước đây. Sau khi Bách đi học ở Nhật, anh và thầy Phong vẫn giữ liên lạc. Biết học trò đam mê nghiên cứu khoa học nên thầy đồng ý cho Bách nghiên cứu tại phòng nghiên cứu của thầy. Hè 2019, Bách cùng các thành viên dự án tham gia báo cáo khoa học tại Hội thảo xúc tác Rohan Catalysis, được đồng tổ chức bởi Đại học quốc gia Hà Nội và nhiều trường đại học ở châu Âu.

Yêu thương cho đi…

Dễ cảm nhận được ở Nguyễn Xuân Bách là ngoài tình yêu với khoa học còn là sự quan tâm tới cộng đồng và mong muốn đóng góp cho xã hội bằng chính tài năng và trí tuệ của mình. Điều này thể hiện rõ ở việc anh từ chối học bổng trị giá 500-600 nghìn USD của 6 trường đại học hàng đầu thế giới là: Tiến sĩ hóa học Đại học Harvard; Tiến sĩ hóa học Đại học British Columbia (Canada); Tiến sĩ hoá-sinh 3 viện (Mỹ): Cornell, Rockefeller và Trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering và Đại học Oxford (Anh) để chọn Trường Y khoa -Đại học Duke. Lý do Bách chọn Đại học Duke là vì tại đây, cùng Phó giáo sư Kenichi Yokoyama, anh sẽ nghiên cứu về cơ chế của quá trình sinh chuyển hóa các hợp chất Molybdenum, một loại nguyên tố vi lượng rất quan trọng trong các sinh vật trong đó có con người. Sự thiếu hụt hợp chất này dẫn đến các bệnh hiếm gặp về não và gây tử vong rất sớm ở trẻ sơ sinh. Hiện căn bệnh này vẫn chưa có thuốc chữa, vì vậy, anh hy vọng từ nghiên cứu của mình sẽ mở ra hướng đi mới trong việc tìm ra phương pháp điều trị căn bệnh này!

Miệt mài trong phòng thí nghiệm ở Đại học Nagoya (Nhật Bản).

Không ít người nghĩ các nhà khoa học đều là “mọt sách” và thiếu kiến thức xã hội. Đối với Bách, sự đa dạng và hòa nhập trong khoa học là điều quan trọng nhất. Để khoa học phát triển mạnh mẽ, không thể nào lựa chọn các nhà nghiên cứu dựa trên các yếu tố như giới tính, màu da, tôn giáo, kinh tế… mà cần những người thực sự có đam mê, hứng thú và khả năng làm khoa học. Vì vậy, ngoài thời gian trên giảng đường và phòng thí nghiệm, Bách còn đặc biệt quan tâm đến các vấn đề bất bình đẳng trong xã hội, cụ thể là bình đẳng giới, quyền của cộng đồng người đồng tính và phản đối kịch liệt sự phân biệt chủng tộc đồng thời tích cực tham gia một số hoạt động xã hội như dạy học, chăm sóc trẻ tự kỷ.

Hơn 2 năm nay, Bách tham gia chương trình “Son-Rise” nhằm giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng. Bằng tình yêu thương, sự tin tưởng, Bách giúp Lenny, tên một cậu bé tự kỷ, từng bước hòa nhập cộng đồng. Sau những tháng ngày kiên trì bên Lenny, sẵn sàng cùng Lenny đẩy chiếc xe chở đầy đồ chơi đi qua đi lại hàng tiếng đồng hồ, Bách hạnh phúc khi thấy Lenny thay đổi và phát triển từng ngày. Giờ đây Lenny biết hướng dẫn Bách nhận biết nhiều loại rau ở Nhật và chuẩn bị một số món salad cho Bách mỗi khi gia đình mời anh đến dùng bữa!

Nguyễn Xuân Bách cùng bé Lenny chọn rau ở siêu thị.

Điều thú vị ở chàng trai thích đọc sách về dinh dưỡng và xem phim siêu anh hùng là mặc dù đã “lớn đùng” nhưng anh vẫn thích ngồi sau xe máy của bố hoặc mẹ, vừa đi vừa ngắm nhìn đường phố, nghêu ngao hát hoặc vu vơ hỏi những câu chẳng liên quan. Bởi với Bách, dù có lớn đến đâu, trải qua bao thành công hay thất bại đến thế nào, chỉ cần ngồi sau lưng bố, mẹ sẽ luôn có cảm giác an toàn, bình yên, chẳng có gì đáng sợ. Với Bách, tấm gương về sự tử tế, tình yêu thương con người, yêu lao động của bố mẹ và anh trai, hiện cũng đang là tiến sĩ điện tử tại Viện Công nghệ Tokyo, luôn là động lực, là chỗ dựa tinh thần vững chắc, cổ vũ anh cống hiến nhiều hơn cho khoa học.

Nguyễn Xuân Bách và anh trai.

Nói về những dự định của tương lai, Nguyễn Xuân Bách mong muốn trở về Việt Nam, giảng dạy ở Trường đại học Vinuni, cùng những giáo sư ở đây đào tạo ra những nhà nghiên cứu khoa học trong tương lai. Dù chặng đường còn rất dài ở phía trước nhưng tin rằng ước mơ sẽ trở thành hiện thực với chàng trai trẻ tuổi, tài năng và giàu khát vọng Nguyễn Xuân Bách!

Thành tích tại Đại học Nagoya:

- Học bổng JASSO, Nhật Bản (2017-2018)

- Học bổng tổ chức DAIKO, Nhật Bản (2019-2020)

- Học bổng tổ chức Kobayyashi, Nhật Bản (2020-2021)

- Giấy chứng nhận thành tích của Khóa học di truyền học ung thư và Khóa học dược lý, Trường y khoa Harvard, Đại học Harvard.

BÀI VÀ ẢNH: THANH GIANG

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More