Print Thứ Hai, 30/09/2019 08:29

Tính đến hết tháng 8/2019, trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 165,92 tỷ USD. Qua đó đưa trị giá nhập khẩu hàng hóa trong 8 tháng của năm 2019 cao hơn cùng kỳ năm 2018 tới 12,33 tỷ USD, tương ứng tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018…

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 8 tuy giảm 2,1%, tương ứng giảm 486 triệu USD so với tháng 7 nhưng vẫn đạt 22,45  tỷ USD.

Các mặt hàng có trị giá giảm so với tháng trước là vải các loại giảm 159 triệu USD (13,7%); phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 152 triệu USD (67,4%); xăng dầu các loại giảm 128 triệu USD (20,1%).

Tuy nhiên, có một số mặt hàng lại có giá trị nhập khẩu tăng như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 295 triệu USD (20,6%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 240 triệu USD (5,1%).

Tính chung đến hết tháng 8, trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 165,92 tỷ USD. Trong đó, có tới 33 nhóm hàng chính đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 88,8% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. Với kết quả này, trị giá nhập khẩu hàng hóa trong 8 tháng của năm 2019 cao hơn cùng kỳ năm 2018 tới 12,33 tỷ USD, tương ứng tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018.

Các nhóm hàng chính mà Việt Nam nhập khẩu thời gian qua dẫn đầu vẫn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này trong tháng 8 là 4,95 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng 7, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm này trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 33,55 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lớn nhất sang Việt Nam là: Hàn Quốc với trị giá 11,84 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; đứng thứ 2 là Trung Quốc với 7,95 tỷ USD, tăng mạnh tới 60,1%; đứng thứ 3 là Đài Loan với trị giá đạt 3,53 tỷ USD, tăng 42,1%; đứng thứ 4 từ Hoa Kỳ với trị giá 3,12 tỷ USD, tăng tới 52,2%; đứng thứ 5 là Nhật Bản với 2,69 tỷ USD, tăng 5,2%…

Đứng thứ hai là nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 8/2019 đạt 3,19 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này trong 8 tháng/2019 đạt 23,98 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu trong 8 tháng/2019 có xuất xứ chủ yếu từ: Trung Quốc đạt 9,38 tỷ USD, tăng 27,8%; từ Hàn Quốc đạt 4,23 tỷ USD, tăng 5,7% và từ Nhật Bản đạt 3,11 tỷ USD, tăng 6,3%… so với cùng thời gian năm 2018.

Nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy): nhập khẩu trong tháng 8 đạt trị giá 1,84 tỷ USD, giảm 13,8% so với tháng trước. Qua đó đưa trị giá nhập khẩu trong 8 tháng/2019 đạt 16,19 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày các loại cho Việt Nam với trị giá 7,55 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; từ Hàn Quốc với 1,98 tỷ USD; giảm 5,9%; từ Hoa Kỳ với 1,66 tỷ USD, tăng 15,2%; từ Đài Loan đạt trị giá 1,56 tỷ USD, giảm 2,6%…

Nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 8 đạt 1,73 tỷ USD, tăng 20,6 % so với tháng trước. Tính đến hết tháng 8/2019, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này đạt 8,97 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Trung Quốc và Hàn Quốc trong 8 tháng/2019 vẫn là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với tổng trị giá đạt 8,26 tỷ USD, chiếm 92,1% tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này. Trong đó từ Trung Quốc là 4,95 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu từ Hàn Quốc là 3,31 tỷ USD, giảm 4,2%…

Chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo trong tháng 8/2019 nhập khẩu đạt 1,37 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng trước. Qua đó, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng này trong 8 tháng đạt 10,21 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nhóm hàng này từ Trung Quốc với 2,47 tỷ USD, tăng 19,2%; Hàn Quốc đạt 2,3 tỷ USD, tăng 3,2% ; Đài Loan đạt 998 triệu USD, giảm nhẹ 0,3%; Nhật Bản đạt 889 triệu USD, giảm nhẹ 0,4%… so với 8 tháng năm 2018.

Trong tháng 8, nhập khẩu nhóm hàng sắt thép các loại đạt 1,28 triệu tấn, trị giá đạt 828 triệu USD, tăng 3,3% về lượng và tăng 0,8% về trị giá. Trong 8 tháng năm 2019, lượng nhập khẩu sắt thép các loại đạt 9,65 triệu tấn, trị giá 6,46 tỷ USD, tăng 4,1% về lượng nhưng giảm 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều những tháng qua

Kết thúc tháng 8/2019, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 3,88 triệu tấn, trị giá đạt 2,45 tỷ USD, giảm 10,7% về lượng và giảm 21,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 2 là Nhật Bản với 1,34 triệu tấn, trị giá 909 triệu USD, giảm 12% về lượng và giảm 15,2% về trị giá; đứng thứ ba là Hàn Quốc với 1,13 triệu tấn, trị giá đạt 918 triệu USD, giảm 3,9% về lượng và giảm 5,1% về trị giá…

Nhìn chung, mặc dù giá trị nhập khẩu 8 tháng của năm 2019 tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng xét về mặt tổng thể, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước trong 8 tháng năm 2019 đạt thặng dư 5,37 tỷ USD.

Ngoài ra, các nhóm hàng nhập khẩu số lượng lớn để phục vụ sản xuất chủ yếu là phụ liệu giày dép-may mặc, linh kiện điện tử… là những ngành hàng chiếm vị trí chủ lực cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta tiếp tục sôi động, nhất là trong những tháng cuối năm này.

Bùi Hạnh (tổng hợp)

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: 8 tháng nhập khẩu hàng hóa tăng 12,33 tỷ USD
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác