Du lịch

6 món nếu đến Hải Phòng mà không ăn là ‘có lỗi với bản thân’

Hải Phòng có văn hóa ẩm thực địa phương đặc sắc và phong phú với nhiều món ngon vượt khỏi ranh giới của một thành phố, phổ biến khắp cả nước.

Sở Du lịch TP.Hải Phòng vừa đề cử 6 món ngon tham gia Bản đồ ẩm thực Việt Nam do Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam tổ chức.

Trước đó, tháng 6 vừa qua, Sở Du lịch TP.Hải Phòng cũng đã phát hành bản đồ các món ngon của thành phố (food tour) gồm hàng chục món như bánh đúc tàu, bánh đa cua, bánh mì cay, cà phê cốt dừa, cháo lòng, bánh bèo, nem chua, giá bể xào, dừa dầm, trà cúc…

Từ danh sách món ngon này, Sở Du lịch TP.Hải Phòng đã lọc ra 6 món đặc sắc nhất sau đây, để tham gia vào Bản đồ ẩm thực Việt Nam.

Một bát bánh đa cua với nhiều “topping” gồm bề bề, tôm, chả lá lốt… P.V

Bánh đa cua

Là món ăn du khách đến Hải Phòng nhất định phải thử. Cho dù hiện nay, bánh đa cua đã phổ biến ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng việc ăn món đặc sản ở nơi chính món đó được khai sinh luôn mang lại cảm giác đặc biệt. Bánh đa cua cũng là nỗi nhớ của những người con đất Cảng xa quê.

Người Hải Phòng có bí quyết riêng để tạo nên vị bánh đa đặc sản với những sợi bánh có độ dai, mềm và màu nâu đỏ. Nổi tiếng nhất phải là bánh đa được sản xuất ở khu Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân và bánh đa chợ Hỗ, huyện An Dương. Những sợi bánh đa sẫm đỏ ngập trong nước cua sánh vàng, bên trên là gạch cua đồng thơm phức cùng chả lá lốt, thịt và các loại rau muống, rau nhút cùng hành phi, mắm tôm… tạo nên bát bánh đa cua không chỉ bắt mắt.

Bánh mì cay

Nhiều người thường nói vui, đến Hải Phòng mà không lê la hàng quán ăn vặt là “có lỗi với bản thân“. Thành phố Hoa phượng đỏ còn nổi tiếng với món đã quá phổ biến ở khắp Việt Nam là bánh mì mang “tâm hồn” đất cảng, bánh mì cay.

Ổ bánh mì Hải Phòng đặc trưng không rau thịt, chỉ có pa tê và tương ớt. P.V

Không thịt không chả không hành ớt, điều gì khiến ổ bánh mì nhỏ bé (còn có tên bánh mì que) Hải Phòng trở thành thứ không thể không ăn khi đến đất cảng? Ổ bánh mì cay đơn giản chỉ có pa tê làm từ thịt và gan lợn nhưng đủ khiến món ăn này thu hút thực khách. Phần quan trọng thứ hai của ổ bánh là nước chấm được làm từ hỗn hợp ớt, tỏi, cà chua lên men. Vỏ bánh được nướng bằng bếp than, giòn tan và nóng hổi. Vị giòn của vỏ bánh, ngậy của pa tê và cay nhẹ của tương ớt tạo nên một chiếc bánh mì cay mà du khách khó có thể dừng lại với chỉ một ổ.

Nem cua bể

Người Hải Phòng gói chiếc nem hình vuông khác với các loại nem truyền thống, nên nem cua bể còn có tên rất ấn tượng: nem vuông. Là món ăn đặc trưng của thành phố cảng, nem cua bể đã nổi tiếng và gắn liền với cái tên Hải Phòng.

Để có một chiếc nem cua bể ngon, trước hết cua bể phải tươi, thường được chọn mua ở vùng biển Cát Hải. Nguyên liệu ngoài thịt cua còn có nấm hương, mộc nhĩ, thịt nạc vai, lòng đỏ trứng gà, hành lá, miến, giá đỗ, hạt tiêu… Tất cả hòa quyện cùng nhau tạo thành món nem vuông có hương vị không lẫn vào đâu được.

Nem vuông Hải Phòng nổi tiếng thơm ngon. P.V

Chả chìa Hạ Lũng bác Hoạt

Theo Sở Du lịch TP.Hải Phòng, chả chìa Hạ Lũng là món chả được ông Lê Khắc Hoạt sáng tạo ra vào năm 1995. Chả chìa được phát triển dựa trên nền tảng của món giò lụa truyền thống, được chế biến từ nguyên liệu chính là thịt lợn, mực khô Cát Bà, kết hợp với các loại gia vị truyền thống như nước mắm Cát Hải, thì là, rau răm được cuộn trên một thanh mía.

Về mặt hình thức, chả chìa Hạ Lũng đặc biệt hơn giò chả thông thường, được chia nhỏ thành từng que, dễ bày biện và cầm nắm. Sở dĩ có tên chả chìa là vì que mía được chìa ra trên đĩa để tiện cầm lấy và hợp vệ sinh. Qua thời gian, người ta gọi món chả này kèm với địa danh Hạ Lũng và người sáng tạo ra món để dễ tìm-dễ nhớ-dễ hiểu.

Vào dịp lễ tết ở Hải Phòng, chả chìa là món không thể thiếu trong mâm cỗ. P.V

Dừa dầm

Không phải là xứ dừa nhưng Hải Phòng lại là nơi sinh ra một trong những món uống đường phố được giới trẻ ưa thích: dừa dầm. Dừa dầm có sự kết hợp giữa vị béo ngậy của nước cốt dừa, trân châu dai mềm và thạch dừa mát lạnh. Ngoài ra, còn có dừa nạo sợi và thạch rau câu trong ly sữa dừa được pha chế đặc biệt giữa nước cốt dừa với sữa…

Trà cúc

Trà cúc là thức uống phổ biến ở Hải Phòng. Vào mỗi buổi sáng, trên những đường phố, nhiều người uống trà cúc như cách người dân các thành phố khác uống cà phê. Trà có vị chua, chát, vị ngọt xen lẫn đắng, uống xong vẫn còn đượm ngọt nơi đầu lưỡi. Bông cúc chọn làm nguyên liệu trà là loại cúc chỉ nhỏ bằng cúc áo, được hái từ khi còn nụ, phơi khô và làm sạch bụi. Khi uống kết hợp với trà tàu, cam thảo, quất…

Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đang triển khai đề án Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia giai đoạn 2022-2024, mục tiêu lập nên bản đồ ẩm thực từ mọi miền đất nước. Cho đến nay, Ban quản lý đề án đã nhận được đề cử món ăn chính thức từ 58/63 tỉnh thành (chưa có TP.HCM, Tiền Giang, Đắk Nông, Sơn La, Hà Nam) với tổng số 421 món. Sau các giai đoạn sàng lọc, 165 món đã vào vòng chung kết xét chọn để tìm ra 100 món ẩm thực đặc sắc Việt Nam.

Vi Nguyễn

Nguồn tin: Báo Thanh niên

Tin khác

Tổng kết và trao giải Báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” năm 2024

Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…

20/12/2024

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Huyện An Dương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More