Vào cuối tháng 9/2019 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chính thức công bố hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ kết nối IoT cho TP Hồ Chí Minh với 1.000 trạm NB-IoT. Đồng thời, nhà mạng quân đội cũng đã hoàn tất việc phủ sóng 5G trên toàn bộ phường 12, quận 10 của TP. Qua đó, đưa TP Hồ Chí Minh trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phủ sóng 5G liền mạch và IoT trên diện rộng.
Được biết, trong thời gian tới, Viettel sẽ tiến hành phủ sóng NB-IoT cho 100% địa bàn Thủ đô Hà Nội và đã có lộ trình triển khai tiếp tại TP Đà Nẵng cũng như mở rộng ra toàn quốc trong 2 năm tới. Sau khi hoàn thành, với các lợi ích mà hạ tầng này mang lại, đây sẽ là nền tảng cốt lõi quan trọng cho việc xây dựng xã hội số và nền kinh tế số tại các địa phương.
5G sẽ giúp Việt Nam thay đổi căn bản trong hầu hết các ngành nghề từ nông nghiệp, công nghiệp, cho đến y tế hay giáo dục. Không chỉ vậy, công nghệ này còn có thể giúp tạo ra các ngành nghề mới như sản xuất thiết bị chuyên dụng, chế tạo cảm biến… Từ đó tạo động lực để Việt Nam có thể phát triển mạnh hơn trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trước đó, vào tháng 5/2019, cũng chính Viettel đã thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên của Việt Nam. Tại sự kiện này, tốc độ kết nối mạng 5G với thiết bị đầu cuối đã đạt từ 1,5 – 1,7 Gbps, vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại. Nhờ vậy, Hiệp hội Di động Thế giới đã ghi nhận Viettel là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai thành công công nghệ 5G.
Về phía MobiFone, nhà mạng này cũng đang trong những bước cuối cùng để chính thức thử nghiệm 5G trên diện rộng, dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10/2019, tại 4 TP: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, TP mang tên Bác sẽ là trọng điểm với 12 vị trí tại khu công viên ở quận 1 và một phần khu đô thị mới tại quận 7.
Có giấy phép chậm nhất trong 3 nhà mạng hàng đầu Việt Nam, quá trình thử nghiệm 5G của VNPT cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị, dự kiến sẽ được tiến hành bắt đầu từ tháng 12/2019. Theo đó, sẽ có 12 trạm 5G chia đều cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để chạy thử công nghệ viễn thông mới này.
Không chỉ bắt tay vào chuẩn bị hạ tầng cho 5G, các nhà mạng còn đang có kế hoạch rõ ràng cho việc làm chủ công nghệ này cũng như tự cung ứng các thiết bị đầu cuối. Tiêu biểu như Viettel đã hợp tác với hàng loạt đối tác đến từ Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ để chế tạo thiết bị 5G, tiến tới làm chủ về công nghệ lõi. Nhà mạng này đặt mục tiêu, trong tương lai, toàn bộ phần cứng của 5G sẽ được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.
Đối với VNPT, ngay từ cuối năm 2018, nhà mạng này đã bắt tay với Nokia nhằm triển khai kế hoạch sản xuất các thiết bị mạng 5G với tổng giá trị lên đến 15 triệu USD. Theo đó, hệ sinh thái 5G từ mạng lưới, nền tảng platform kết nối cung cấp dịch vụ, ứng dụng trên nền 5G, an ninh, cho đến bảo mật và an toàn đều do VNPT làm chủ hoàn toàn.
Nói về sự cần thiết của 5G đối với Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng khẳng định: Muốn đón bắt cơ hội và lọt vào nhóm những quốc gia dẫn đầu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, 5G là điều kiện bắt buộc. 5G thực sự là một cuộc cách mạng, không chỉ gói gọn trong tốc độ truyền tải mà có thể nói công nghệ này gần như khác biệt hoàn toàn với 3G, 4G, qua đó giúp con người tiến xa hơn trong toàn bộ các lĩnh vực của cuộc sống.
Nếu như với 3G, 4G có thể đáp ứng tốt các hoạt động đơn thuần của nền kinh tế – xã hội thì với những nhu cầu cao hơn như công nghiệp thông minh hay công nghiệp robot chỉ có 5G mới có thể đáp ứng. Mặt khác, xu hướng của các quốc gia trong đó có Việt Nam là phát triển hệ sinh thái số cùng ứng dụng internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đòi hỏi một công nghệ mạng mới cao cấp hơn và câu trả lời là 5G.
Lấy ví dụ như với các giải pháp áp dụng trực tiếp vào cuộc sống mà Viettel đã từng thực hiện được với 4G như: Đỗ xe thông minh, camera giám sát, cảm biến nhiệt để giám sát môi trường, công tơ điện tích hợp trên điện thoại… “Với sự xuất hiện của 5G, những giải pháp này sẽ có sức mạnh vượt trội hơn nhờ tốc độ truyền tải dữ liệu cao và độ trễ thấp. Đặc biệt là với đô thị thông minh, bệnh viện, viện nghiên cứu… những nơi đòi hỏi tốc độ mạng phải mạnh, có thể truyền hình ảnh theo thời gian thực thì 5G mới chính là giải pháp” – ông Tào Đức Thắng nói.
Tiêu biểu như việc mới đây Viettel đã phủ sóng 5G và NB-IoT ở TP Hồ Chí Minh, với việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, người dân sẽ có thể trực tiếp được trải nghiệm những khác biệt về tốc độ mà công nghệ mạng này mang lại. Bên cạnh đó, đây cũng là những nền tảng cốt lõi quan trọng cho việc xây dựng xã hội số và nền kinh tế số tại TP Hồ Chí Minh và có thể nhân rộng ra toàn quốc.
Trong thời gian tới, 5G của Viettel sẽ hỗ trợ TP Hồ Chí Minh triển khai xây dựng công nghệ cho đô thị thông minh, trong đó tập trung vào hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng dữ liệu mở, nền tảng phân tích dữ liệu lớn, kho dữ liệu dùng chung và các cơ sở dữ liệu dùng chung, trung tâm điều hành thông minh và trung tâm giám sát an ninh thông tin – Phó Tổng Giám đốc Viettel chia sẻ.
Về góc nhìn của DN tiên phong trong phát triển 5G, Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương Thiều Phương Nam cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình vừa đi vừa dò đường với công nghệ mới này. Bởi trên thế giới 5G cũng chưa được triển khai với quy mô lớn để có thể học hỏi và áp dụng vào Việt Nam.
Không nên loại bỏ 3G hay 4G ở thời điểm này mà cần để tồn tại song song với 5G. Các kết nối mạng cũ vẫn sẽ là nền tảng chủ đạo để cung cấp dịch vụ di động cho mọi người, trong khi đó 5G sẽ tập trung vào những khu vực thành thị lớn với các nhu cầu mạng cao như video 8K, truyền hình tốc độ cao, thành phố thông minh, thực tế ảo… Sau khi 5G trở nên phổ biến trên thế giới, kéo theo giá thiết bị đi xuống, tới lúc đó mới nên mở rộng tầm phủ sóng của công nghệ mạng này.
Huyện Thủy Nguyên vừa thông tin trụ sở các đơn vị hành chính khi sắp…
Sau 10 ngày diễn tập với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, chiều 27/12,…
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt đối với…
Từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy và thực…
Từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy và thực…
Sáng 27/12, tại địa chỉ số 62 Võ Thị Sáu, quận Ngô Quyền, Sở Thông…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More