Print Chủ Nhật, 31/03/2019 23:12

Ngày 28.3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số PCI 2018. Đây là năm thứ 14 bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh này được công bố, PCI đã là cuộc đua giữa chính quyền các tỉnh, thành phố trong việc cải cách hành chính, cắt giảm chi phí thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện và là công cụ hữu ích của các nhà đầu tư.

Thay đổi tư duy quản lý

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI là chỉ số đánh giá năng lực điều hành kinh tế thuộc thẩm quyền của chính quyền tỉnh, thành phố. Đây sẽ là nơi tổng hợp tiếng nói của cộng đồng các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước về chất lượng điều hành của 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trước áp lực của cải cách nền kinh tế, PCI không chỉ là sức bật của các địa phương mà cũng giúp Chính phủ nhìn thấy những điểm nghẽn để tháo gỡ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến, PCI là sức ép cần thiết đối với các tỉnh, nó là chiếc gương để mỗi địa phương tự nhìn lại mình, để tự khám bệnh xem mình yếu ở đâu để điều chỉnh cho tốt hơn. Hiện Nam Định vẫn là một trong những tỉnh thu hút đầu tư kém trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, do vậy năm 2019, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự năng động của chính quyền và tiếp cận thị trường, thúc đẩy sáng kiến để thu hút các nhà đầu tư.

5 địa phương dẫn đầu (màu xanh) và 5 địa phương xếp cuối (màu đỏ) về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018. Infografic: HẢI NGUYỄN

Gỡ từ cơ chế chính sách

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trước hết phải nâng cao năng lực cạnh tranh cấp địa phương, VCCI tiến hành điều tra và công bố chỉ số PCI, đánh giá mức độ hài lòng của DN trên các lĩnh vực thuế, hải quan, BHXH và tiếp cận điện năng. Theo kết quả điều tra PCI năm 2018 có 34% DN cho rằng gặp khó khăn khi đi làm các thủ tục kinh doanh, 29% DN gặp khó khăn khi đi xin chứng nhận hợp quy và 30% gặp khó khăn do xin chứng nhận phòng cháy chữa cháy… Theo Chủ tịch HĐQT – TGĐ Cty phát triển nhà Constrexem Nguyễn Đức Cây, thông qua PCI nhiều địa phương đã có cải cách hành chính, bứt phá phát triển KTXH. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc sự hỗ trợ các DNNVV vì sự hỗ trợ khối DN này vẫn còn khiêm tốn. Nếu có sự hỗ trợ tích cực hơn, triệt để hơn thì hoạt động SXKD của các DN Việt cũng không bị thua kém.

Trưởng ban Pháp chế VCCI – Giám đốc dự án PCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, PCI đã trở thành công cụ hữu ích cho nhà đầu tư. Hiện nhiều tập đoàn đã sử dụng hệ thống PCI như bằng chứng để mở rộng hoạt động kinh doanh. Theo đại diện của VCCI, hằng năm sau khi PCI được công bố thì có khoảng hơn 40 tỉnh, thành tổ chức hội nghị để “chẩn bệnh”, từ đó có giải pháp để cải thiện thứ tự trong bảng xếp hạng các năm sau.

Khu công nghiệp Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp – địa phương đứng thứ 2 về chỉ số PCI năm 2018. Ảnh: P.V

Tỉ lệ tham nhũng vặt vẫn cao

Theo ông Đậu Anh Tuấn, các chỉ tiêu đo lường chi phí không chính thức trong PCI 2018 đã có sự cải thiện so với năm trước, hiện tượng “tham nhũng vặt”, cụ thể là chi phí bôi trơn nhỏ mà DN phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép trong năm 2018 đã giảm so với thời kỳ trước. Nhưng những chỉ tiêu phản ánh về hiện tượng chi phí không chính thức vẫn còn tương đối cao khi 58% DN trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu; 54% DN vẫn phải trả chi phí bôi trơn và có đến 48,4% doanh nghiệp cho biết, việc “chi trả “hoa hồng” để có cơ hội thắng thầu” (năm 2017 là 54,9%). Chỉ 30,8% doanh nghiệp cho biết, có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai (giảm so với 32% vào năm 2017), nhưng vẫn còn 39,3% DN khẳng định có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra (năm 2017 là 51,9%).

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh, tăng chất lượng đào tạo lao động, hỗ trợ DN các thủ tục đăng ký kinh doanh. Hiện các DNNVV và DN mới thành lập rất thiếu thông tin về đầu tư của tỉnh. Do đó, từ nền tảng đánh giá PCI sẽ là động lực để lãnh đạo sát sao và quan tâm hơn nữa cải cách hành chính, chia sẻ tốt nhất với DN. 

Quảng Ninh năm thứ hai liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng PCI với 70,36 điểm, kế đến là Đồng Tháp 70,19 điểm, Long An và Bến Tre lần lượt chia nhau vị trí thứ ba và tư. Đà Nẵng, từng là “ngôi sao cải cách” cũng đang chững lại khi từ vị trí thứ hai năm 2017 đã tụt xuống thứ 5 với 67,65 điểm.

Hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội, TPHCM nằm trong top 10 tỉnh, thành phố đứng đầu khi lần lượt xếp thứ 9 và 10. Các địa phương trong nhóm xếp hạng cao còn có: Cần Thơ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Khánh Hoà… Lai Châu và Đắk Nông là hai tỉnh “đội sổ” PCI 2019.

ĐẶNG TIẾN
Theo Báo Lao động

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: 58% doanh nghiệp trong nước  vẫn bị nhũng nhiễu
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác