Ngày 21.4, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023: Ổn định và phát triển thị trường bất động sản“.
Hội thảo tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2022 (thành tựu và những tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích cơ hội và thách thức).
Từ đó đề xuất phương hướng, khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo.
Hội thảo cũng đánh giá thực trạng thị trường bất động sản, cảnh báo những nguy cơ bất ổn của thị trường bất động sản, từ đó đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm ổn định và phát triển thị trường bất động sản, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt trội trong năm 2022 song những vấn đề nội tại của nền kinh tế đang bộc lộ rõ nét.
Một trong những điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế hiện nay là thị trường bất động sản có nhiều biến động, gây rủi ro chéo với thị trường tài chính và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Do vai trò, vị trí của ngành bất động sản vô cùng quan trọng nên sự biến động của thị trường đã có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo, thực trạng thị trường bất động sản hiện nay phải đối mặt với nhiều rủi ro về chính sách, trong đó có 5 vướng mắc chính.
Thứ nhất, pháp luật về đất đai quy định về phương pháp định giá đất chưa rõ ràng, thiếu cơ sở dẫn đến khó xác định giá thị trường nên các cơ quan chức năng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.
Thứ hai, vướng mắc về quy hoạch. Đối với trường hợp quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên, hoặc căn cứ cơ sở pháp lý đã hết hiệu lực.
Tình trạng phát triển các dự án bất động sản ở một số địa phương không theo quy hoạch và kế hoạch, chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Thứ ba, vướng mắc về đầu tư. Vướng mắc trong cho phép điều chỉnh tiến độ dự án đối với trường hợp khách quan.
Trình tự thủ tục còn được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dài.
Thứ tư, vướng mắc về giao dịch. Quy định giao dịch bất động sản không bắt buộc qua sàn đã tạo ra khoảng trống pháp lý, đây là cơ sở cho việc hình thành nên các “dự án ma“, các vụ việc lừa đảo khách hàng.
Thứ năm, vướng mắc về thông tin. Cập nhật thông tin về thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn và không đáp ứng nhu cầu thực tiễn, gây ra nhiều bất cập trong công tác điều hành và quản lý thị trường bất động sản, làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ngược lại, thị trường bất động sản thiếu ổn định, giá cả bất hợp lý hoặc trầm lắng kéo dài sẽ có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho người dân và gây ra nhiều hệ lụy xã hội.
Do đó, ổn định và phát triển thị trường bất động sản là một trong những vấn đề trọng tâm của công tác điều hành chính sách trong năm 2023.
Trong khuôn khổ hội thảo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2022 với chủ đề “Ổn định và phát triển thị trường bất động sản“.
Trang Hà
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More