Print Thứ Hai, 06/04/2020 16:16 Gốc

Như Báo An ninh Hải Phòng đã đưa tin, từ ngày 1-4 thành phố bước vào đợt cách ly toàn xã hội, theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Trên địa bàn Hải Phòng đã dừng hết các hoạt động kinh doanh, ngoại trừ một số lĩnh vực thiết yếu, đồng thời hạn chế việc đi lại của người dân. Bước đầu cho thấy, thị trường thành phố cơ bản ổn định, nguồn cung đảm bảo…

Các siêu thị vẫn đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cũng như Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của thành phố, những ngày qua người dân thành phố cơ bản đã hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Trong đó, hầu hết những hoạt động kinh doanh, dịch vụ xã hội đã tạm dừng, chỉ còn lại những mảng thực sự thiết yếu, liên quan trực tiếp tới sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Để đáp ứng nhu cầu cũng như thực hiện nhiệm vụ cung ứng đủ hàng hóa, duy trì sinh hoạt và hoạt động xã hội, hệ thống các siêu thị bách hóa trên địa bàn thành phố đã đảm bảo tốt vai trò trụ cột trong dịp này. Đi đầu là các siêu thị BigC, CooMart, MM Mega Market, VinMart… cùng nhiều cửa hàng thuộc mô hình kinh doanh trực tuyến trải khắp thành phố.

Với phương châm “đi chợ hộ” người dân, tất cả các siêu thị đều tăng cường niêm yết sản phẩm trên các trang Web, quảng bá bán hàng trực tuyến và đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa. Theo đó, người dân chỉ cần gọi điện tới đường dây thường trực hoặc đặt trực tuyến online là siêu thị sẽ phục vụ đưa hàng miễn phí tận nhà.

Tuy nhiên, theo khảo sát thì những ngày qua dịch vụ bán hàng trực tuyến dù tăng đáng kể so với trước kia, nhưng chưa thực sự sôi động. Bởi lẽ trước khi thành phố bước vào cách ly xã hội, người dân đã kịp đi mua tích trữ một lượng đáng kể nhu yếu phẩm.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Y – một người nội trợ ở ngõ 69 Chợ Con cho biết, để chuẩn bị cho thực hiện cách ly, gia đình bà đã tích trữ lượng thực phẩm đủ dùng cho khoảng 5 ngày, tương ứng với năng lực bảo quản bằng tủ lạnh hiện gia đình đang có. Những người hàng xóm của bà Y. cũng cho biết nội dung tương tự. Đây có lẽ là lý do mà trong những ngày vừa qua, nhu cầu mua sắm trực tuyến sử dụng dịch vụ của các siêu thị chưa thực sự lớn.

Dù hàng hóa dồi dào, nhưng các siêu thị vẫn khuyến cáo người dân không mua tích trữ

Trên thực tế, để thực hiện cách lý xã hội, ngoài việc tạm dừng những hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu, hạn chế người dân đi lại, thì hầu hết các cơ quan công sở cũng chuyển sang chế độ làm việc qua mạng Internet, công tác hành chính công cũng tạm dừng, nên thị trường cơ bản không còn điểm nhấn đáng chú ý về mật độ mua sắm. Nghĩa là những ngày nghỉ như thứ Bảy, Chủ nhật cũng tương tự như những ngày thường, nhu cầu phát sinh không lớn.

Điều dễ nhận thấy, mặc dù nằm trong nhóm những điểm kinh doanh thiết yếu được hoạt động, nhưng tại các siêu thị tổng hợp lượng khách đến mua sắm rất thưa thớt. Loại thực phẩm được người dân tập trung mua cơ bản là tươi sống, chứ không phải là gạo, mỳ ăn liền hay củ quả, đồ khô phục vụ cho tích trữ lâu dài.

Mặt khác, cũng do đã dự trữ đáng kể thực phẩm tươi sống, nên nhu cầu phát sinh hàng ngày của người dân chỉ dành nhiều cho các loại rau xanh, nhất là rau xanh có lá. Trong khi nhóm hàng này những ngày qua vẫn được lưu thông tương đối thuận lợi, nhờ hoạt động của các chợ truyền thống vẫn bình thường, dù so với trước thời điểm cách ly (1-4), giá rau xanh tăng bình quân khoảng 20%, mức tăng không đáng kể vì giá trị đơn vị của rau xanh không lớn.

Cần phải nhắc lại là, trong khoảng thời gian đầu thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, việc triển khai lưu thông trên địa bàn thành phố còn chưa thực sự đồng bộ. Nhưng chi sau hai ngày, việc này đã được thành phố kịp thời điều chỉnh, trên địa bàn nhiều chốt kiểm soát ở các tuyến mua sắm đã chuyển vị trí, dành mặt bằng cho thị trường thiết yếu hoạt động.

Trở lại với các siêu thị bách hóa, như đã nói ở trên, đúng như cam kết, các siêu thị đang chuẩn bị lượng hàng hóa rất lớn, trước mắt đảm bảo đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân thành phố. Tuy nhiên, để tránh những xáo trộn về tâm lý, có siêu thị vẫn áp dụng bán hàng hạn chế số lượng đối với một số loại hàng. Đơn cử như siêu thị BigC, vẫn khuyến cáo khách hàng không mua tích trữ, nên chỉ bán cho mỗi khách hàng 2 thùng mỳ ăn liền, 3 chiếc bắp cải, 3 chiếc bánh mỳ mỗi ngày.

Hiện lượng thực phẩm tại các siêu thị đảm bảo đủ nguồn cung

Nhìn chung, thị trường Hải Phòng ngày đầu tiên thực hiện cách ly xã hội vẫn bình ổn, nguồn cung được bảo đảm, nhưng sức mua giảm đáng kể. Ở một diễn biến khác, tuy không phải là thực phẩm nhưng xăng dầu từ lâu được coi là một trong những mặt hàng thiết yếu nhất. Nhưng tại thời điểm này, đây cũng là một trong những mặt hàng tiêu thụ chậm, khi người dân không còn phát sinh nhiều nhu cầu đi lại, dù giá xăng dầu vừa có đợt giảm xuống thấp chưa từng có trong vòng hơn 10 năm qua.

Mặc dù vậy, theo dự báo thì trong tuần tới, khi nguồn dự trữ của người dân đến lúc cạn, thì nhu cầu sẽ gia tăng. Rất có thể đây sẽ là thời điểm bùng nổ các dịch vụ trực tuyến, bởi lẽ dù không cấm, nhưng việc người dân trực tiếp đi lại mua sắm đang không được khuyến khích. Mặt khác, bản thân người dân cũng ý thức được ý nghĩa của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nên nếu mua sắm trực tiếp tại các siêu thị hay chờ dù có tăng, cũng rất khó nhộn nhịp.

Lê Minh Thắng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: 5 ngày “phẳng lặng” của thị trường hàng thiết yếu
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác