Sáng 14/1 tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Luật Công chứng năm 2014, dưới sự chủ trì của đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có sự tham dự của đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố; cùng đại diện lãnh đạo Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật Công chứng, hoạt động công chứng ở nước ta đã thu được kết quả đáng khích lệ. Hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở (lĩnh vực vốn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp); công chứng là “lá chắn” phòng ngừa hữu hiệu, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội; giảm thiểu công việc cho Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự.
Hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, lấy người dân làm “trung tâm” phục vụ. Các Văn phòng công chứng được thành lập, củng cố và tiếp tục góp phần giảm áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước.
Việc thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và 59 Hội công chứng viên địa phương góp phần hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội-nghề nghiệp của công chứng viên từ Trung ương đến địa phương đã bước đầu nâng cao vai trò tự quản nghề nghiệp, chia sẻ, hỗ trợ công việc với các cơ quan quản lý nhà nước.
Thời gian tới, ngành Tư pháp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng cùng các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về vị tri, vai trò của nghề công chứng, công chứng viên trong việc đảm bảo an toàn pháp lý đối với các hợp đồng, giao dịch. Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền để chủ động hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Công chứng và các quy định có liên quan như: Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và gia đình… tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, cơ sở áp dụng thống nhất trong hoạt động công chứng. Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức pháp luật nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên. Tăng cường kiểm tra, thanh tra chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng. Nâng cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội-nghề nghiệp của công chứng viên…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, việc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 đã thu được nhiều kết quả, thực sự đi vào cuộc sống; được nhân dân đồng tình, đón nhận. Theo Thứ trưởng, hiện nay yêu cầu công chứng ngày càng tăng, sự hài lòng và thuận tiện của nhân dân về công chứng, đặc biệt là hình ảnh Công chứng Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến, được Liên minh Công chứng quốc tế (UINL) ghi nhận và đánh giá cao chính là thước đo sự thành công của Luật Công chứng.
Để Luật Công chứng phát huy hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu thực tế, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu yêu cầu ngành Tư pháp, các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng hơn nữa về vai trò, vị trí, bản chất của hoạt động công chứng. Các địa phương tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước về công chứng, chú trọng thực hiện hiệu quả, đồng bộ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chứng viên vững về chuyên môn, có đạo đức và uy tín nghề nghiệp. Tổ chức thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động công chứng để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng đảm bảo an toàn các giá trị hợp đồng, giảm thiểu rủi ro.
Nguyễn Hải