Print Thứ ba, 31/01/2023 16:20 Gốc

Song song với việc thực hiện phương án ứng cứu, các nhà mạng Việt Nam cho biết, đang tích cực làm việc với các đơn vị quản lý cáp quang biển quốc tế để nhanh chóng xử lý sự cố trên các tuyến cáp quang biển bị đứt.

Như Lao Động đã đưa tin, chiều 30.1, một nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, tuyến Liên Á (Intra Asia-IA) gặp trục trặc từ ngày 28.1.

Nguyên nhân được xác định do đứt cáp tại vị trí cách trạm cập bờ Singapore khoảng 130km, làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Singapore qua IA.

Sự cố IA nâng tổng số cáp quang biển gặp lỗi lên bốn tuyến. Trước đó, vấn đề với các tuyến AAE, AAG, APG diễn ra từ năm 2022 và đầu 2023 vẫn chưa được khắc phục xong.

Cáp quang biển lại gặp sự cố, khiến đường truyền mạng bị ảnh hưởng. Ảnh: Anh Vũ.

Ngay sau khi xảy ra sự cố tuyến cáp quang biển IA ngày 28.1, một nhà mạng lớn của Việt Nam là Viettel đã nhanh chóng lên các phương án định tuyến, điều tiết dung lượng trên những hướng cáp biển còn lại và cáp đất liền; đồng thời mua bổ sung dung lượng ứng cứu nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng dịch vụ cấp cho khách hàng.

Đại diện Viettel khẳng định, đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố đồng thời trên cả 4 tuyến cáp quang biển chính kết nối từ Việt Nam đi nhưng Viettel đã triển khai tất cả giải pháp tối ưu nhất.

Tương tự, đại diện nhà mạng VNPT cho hay, đơn vị đã chủ động triển khai những phương án ứng cứu để đảm bảo kết nối Internet quốc tế cho khách hàng của đơn vị mình như tối ưu lưu lượng theo các hướng cáp, mở ứng cứu bổ sung tài nguyên cáp, chủ động làm việc với các đối tác Facebook, TikTok, YouTube.

Nhờ đó, nhiều người dùng dịch vụ của VNPT có thể sử dụng và trải nghiệm gần như bình thường các nền tảng Facebook, TikTok, YouTube cũng như các giao dịch chứng khoán tài chính, bảo hiểm, ngân hàng.

Tuy nhiên, theo đại diện VNPT, khi sự cố xảy ra đồng thời trên cả 4 hệ thống cáp biển, việc truy cập internet quốc tế của người dùng Việt Nam đều bị ảnh hưởng, nhất là trong giờ cao điểm và đối với các hoạt động đòi hỏi băng thông internet tốc độ cao như chơi game trực tuyến, xem phim…

Cùng với VNPT và Viettel, những nhà mạng nhỏ hơn như CMC, NetNam đều triển khai phương án ứng cứu, chuyển hướng lưu lượng ngay sau khi tiếp nhận thông tin xảy ra sự cố với các tuyến cáp biển.

Song song với việc thực hiện phương án ứng cứu, các nhà mạng của Việt Nam đang tích cực làm việc với các đơn vị quản lý cáp quang biển quốc tế để nhanh chóng xử lý sự cố trên 4 tuyến AAG, APG, AAE-1 và IA.

Vân Trường

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: 4 tuyến cáp quang biển cùng đứt, nhà mạng Việt Nam ứng phó thế nào?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác