PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Xung quanh dự thảo “Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) với số tiền đề xuất đầu tư là 350.000 tỉ đồng hiện đang nảy sinh nhiều ý kiến đa chiều. Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, 350.000 tỉ đồng có phải con số quá lớn và phải chi tiêu thế nào cho hiệu quả. Ý kiến của ông về việc này?
Trước hết, tôi vừa mong muốn, vừa khẳng định một điều: Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn, đúng tầm, đúng mức cho văn hóa. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, là đầu tư cho sự phát triển bền vững, dài lâu của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, dân tộc.
Tuy nhiên, đầu tư thế nào cho đúng đắn, cho khoa học, cho hiệu quả là câu chuyện quan trọng, cần bàn tính kỹ lưỡng, căn cơ, cả vĩ mô, cả vi mô, có những kế hoạch cần cụ thể, chi tiết.
Số tiền nhiều hay ít, tôi không bàn luận. Và nếu chỉ căn cứ vào số tiền là 350.000 tỉ đồng có thể sa vào cảm tính, võ đoán, quy chụp.
Bởi, nếu có nhiều tiền, nhưng không có các đề án cụ thể, chi tiết, khoa học, việc tiêu tiền chưa chắc đã mang đến kết quả như mong muốn, thậm chí có thể gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng.
Nhưng số tiền đó có thể là ít, nếu chương trình mục tiêu quốc gia “chấn hưng văn hóa” sau khi tính toán kỹ lưỡng, sát sao, thấy số tiền đó không đủ để chi cho những việc, những mũi chiến lược, cả cấp thiết, cả trung và dài hạn.
Tại phiên thảo luận ngày 24.10 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa chủ yếu đi vào công tác xây dựng môi trường văn hóa, tôn tạo bảo tồn phát huy các di sản, trùng tu di tích… Ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này?
Theo tôi, dự thảo “Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa” phải xác định rõ ràng, cụ thể, điều gì quan trọng nhất, cần đầu tư nhất, không đầu tư dứt khoát không được.
Chúng ta cũng cần tính đến ít nhất là hai nguồn kinh phí: Kinh phí của Nhà nước, từ nguồn đầu tư công và kinh phí xã hội hóa. Nếu biết cách huy động, sử dụng, nguồn thứ hai này cũng không hề nhỏ. Đó là chưa nói đến nguồn thứ ba, từ các tổ chức quốc tế và các nước có quan hệ tốt với Việt Nam, với văn hóa Việt Nam.
Về trùng tu, tôn tạo di tích xuống cấp, tôi lấy ví dụ ngay ngôi đình ở quê tôi (xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Ngôi đình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ nhiều chục năm trước nhưng nay đã xuống cấp nghiêm trọng, dột nát, hư hỏng, nhưng không được hoặc không có kinh phí để tôn tạo, bảo tồn.
Vì đây là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, muốn “đụng đến” phải theo Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan khác. Người dân không thể tự góp tiền, tự sửa chữa mà phải làm giấy tờ cấp báo, kiến nghị, xin phép qua rất nhiều cấp, nhiều ngành. Nếu doanh nghiệp và nhân dân cùng làm theo hướng xã hội hóa cũng không ổn.
Tôi đã vài ba lần bỏ tiền túi của mình ra “làm trộm”, chỉ là chống mưa dột, mối mọt, sụp đổ. Có thiện chí nhưng vẫn phải “làm trộm“. Nếu nhìn rộng ra cả nước, có lẽ chúng ta có hàng nghìn, hàng vạn di tích như thế, tức là cần cấp cứu, cần tôn tạo, bảo tồn.
Nói như vậy để thấy, đi cùng với kế hoạch trùng tu tôn tạo di tích còn cần cả những điều chỉnh về hành lang pháp lý, điều chỉnh Luật Di sản văn hóa để cập nhật kịp thời với những biến động trong đời sống.
Luật Di sản văn hóa dù mấy năm qua được chỉnh sửa, bổ sung liên tục, nhưng vẫn chưa bao quát hết, điều chỉnh hợp lý hết, chắc lại phải bổ sung, chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn, không được cứng nhắc.
Tuy nhiên trong câu chuyện tôn tạo, trùng tu di tích, nhiều dự án hàng chục tỉ đồng nhưng lại góp phần hủy hoại di tích. Góc nhìn của ông về việc này?
Có một câu chuyện xảy ra ngay ở quê tôi, đó là nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của một lãnh đạo cách mạng tiền bối mà nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Con lớn lên, con tìm Cách mạng/ Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi/ Mẹ không còn nữa, con còn Đảng/ Dìu dắt con khi chửa biết gì”.
Nhà cách mạng ưu tú Phan Đăng Lưu đã hy sinh anh dũng trong khởi nghĩa Nam Kỳ. Ngôi nhà của cụ thân sinh xây năm 1927, hai tầng, hồi đó là rất khang trang. Nhà làm bằng gỗ tốt, tường nhà xây bằng vôi trộn mật mía cùng vài chất liệu khác.
Nhân ngày lễ trọng, cấp trên và ngành văn hóa cấp cho một khoản tiền kha khá. Địa phương góp thêm công, của làm dự án trùng tu, tôn tạo.
Trời ạ! Di tích còn rất bền, giữ gần như nguyên vẹn. Tôi trộm nghĩ, với di tích này, chỉ cần vài ba chục triệu đồng để quét dọn sân vườn, lối đi, chăm sóc vườn rau, cây cối, thế là ổn.
Năm 2016, tôi đã viết một vở sân khấu và một cuốn tiểu thuyết mang tên “Hừng Đông” nên tôi thuộc ngôi nhà này, các chủ nhân của nó như người thân của mình. Thế mà di tích này được “làm dự án” với số tiền cũng phải mấy trăm triệu đồng. Nhưng họ chỉ thiếu điều quan trọng nhất: Thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử-văn hóa.
Rồi thợ mộc, thợ nề, thợ xẻ cứ theo lối “làm lại cái nhà ở”, vứt hết cột, kèo, cửa chính, các cửa sổ, rui mè; băm nát mấy bức tường vôi-mật để đưa vào đó lớp vữa xi măng. Ở tầng hai có bốn đôi câu đối khắc trên vôi vữa trộn mật mía năm 1927 cũng bị băm nát.
Thật may vô tình hôm đó tôi về quê và ghé vào thăm. Đến nơi, tôi giận sôi lên, yêu cầu dừng lại. Tôi gọi ngay cho lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Nghệ An (cách nơi này 60km), gọi cả mấy vị lãnh đạo huyện, xã.
Sau chừng một tiếng thì lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Nghệ An và phòng Quản lý di tích có mặt. Mặt ai cũng biến sắc vì không ngờ bệnh quan liêu, hời hợt, tắc trách của họ gây hậu quả lớn như thế.
Tôi đề nghị các vị có mặt chỉ đạo đơn vị thi công trả lại cho di tích (căn nhà) những thứ còn tốt, có giá trị di tích gốc về lại đúng vị trí cũ, loại bỏ những đồ gỗ mới toanh, bóng loáng, xi măng đen xỉn ra khỏi di tích.
Việc này không chỉ xảy ra ở quê tôi, còn xảy ra ở nhiều khu di tích, di sản khác. Dự án nhiều tỉ đồng trùng tu tôn tạo thành nhà Mạc ở một tỉnh Tây Bắc cách đây xấp xỉ 20 năm đã biến di tích hang trăm tuổi thành cái… lò gạch mấy ngày tuổi.
Nói như vậy để thấy, không phải cứ chi thật nhiều tiền, là văn hóa, di sản, di tích sẽ được trùng tu, tôn tạo hiệu quả. Có tiền mà không biết cách chi dùng, không có kiến thức chuyên môn thì có khi thành phá hoại, thậm chí phá hoại ở mức… nguy hiểm.
Hiền Hương (thực hiện)
Dự kiến, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Hải Phòng thưởng Tết Nguyên…
Sáng 24/12, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng long trọng tổ chức lễ kỷ…
Chiều 24/12, quận Lê Chân tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết…
Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More