Tại điểm cầu Hải Phòng có sự tham dự của: Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng; các Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các Sở, ngành và đơn vị chức năng.
Hầu hết các lĩnh vực đều đạt được những chuyển biến rất tích cực, phục hồi mạnh mẽ
Nhấn mạnh phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, những diễn biến trong tháng 3 và quý I/2022 đã có tác động rất lớn tới việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu đề ra, trên thế giới tình hình ở Ukraine ảnh hưởng đến KTXH, chính trị, quốc phòng, an ninh trên toàn cầu, tác động không nhỏ đến thị trường năng lượng, tài chính và cung cầu hàng hóa, cạnh tranh nước lớn tiếp tục diễn ra gay gắt, giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới, chi phí logistics và lạm phát ở nhiều nước tăng cao… Ở trong nước, tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp do các biến chủng mới như Omicron, giá nguyên liệu và lạm phát trên thế giới gây áp lực lớn, nhiều vấn đề KTXH tồn đọng, kéo dài, tình hình thiên tai, mưa lũ có những diễn biến bất thường do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình tội phạm kinh tế diễn biến phức tạp, nhất là liên quan tới trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó Chính phủ đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp một cách tích cực, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Nhờ đó, hầu hết các lĩnh vực đạt được những chuyển biến rất tích cực, phục hồi mạnh mẽ.
Thủ tướng nhấn mạnh, quýI/2022 vừa khép lại với nhiều tín hiệu rất tích cực, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận còn một số hạn chế, bất cập. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung phân tích, thảo luận những việc đã và chưa làm được trong quý I, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức chính đối với Việt Nam hiện nay; một số nội dung cụ thể như việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược; phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán, kéo dài; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế cho phát triển…
Thủ tướng cho biết, Chính phủ tổ chức Hội nghị này nhằm đánh giá lại quá trình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, tìm ra nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, để từ đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả, cụ thể hóa các kết luận, nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết của Chính phủ.
Tình hình lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép
Báo cáo về tình hình KTXH tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng cho biết, KTXH quý I/2022 khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất tính từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 1,92%; các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Thu ngân sách nhà nước 460,6 nghìn tỷ đồng, đạt 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ; chi ngân sách nhà nước 351,3 nghìn tỷ, đạt 23,4% dự toán.
Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% (năm 2021 tăng 1,47%). Doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý I đạt kỷ lục 60.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ (riêng tháng 3, số doanh nghiêp thành lập mới tăng 96,3% với số vốn đăng ký tăng 127,3%).
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt kết quả tích cực với 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%, là tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư ngay từ những tháng đầu năm. Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 76,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14,4% kế hoạch năm và tăng 10,6% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8%, đạt mức cao nhất so với quý I các năm từ 2018 đến nay.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực. Năng suất lúa mùa tăng 7,4 tạ/ha. Chăn nuôi phục hồi tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I các sản phẩm chính (trâu, bò, lợn, gia cầm) đều tăng. Sản lượng thủy sản quý I tăng 2%; nuôi trồng tăng 5,1%, đặc biệt các sản phẩm chủ lực như tôm thẻ chân trắng, cá tra… được mùa, được giá.
Sản xuất công nghiệp quý I tiếp tục khởi sắc, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 7,07%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,79% (82,3% doanh nghiệp trong khu vực này lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II, trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI lạc quan nhất với 84,7%). Có 61/63 địa phương có chỉ số IIP tăng.
Thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực, đặc biệt sôi động trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó tháng 3 tăng 9,4%. Chuỗi cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước dần phục hồi. Hoạt động du lịch trên cả nước có dấu hiệu “ấm” trở lại, khách quốc tế đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3 đạt 66,73 tỷ USD (tăng 36,8%); trong đó xuất khẩu tăng 45,5%. Quý I, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 176,35 tỷ USD (tăng 14,4%), trong đó xuất khẩu tăng 12,9%, từ nhập siêu 1,96 tỷ USD tính đến hết tháng 2 chuyển sang xuất siêu 809 triệu USD trong quý I. Nhập khẩu chủ yếu là hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nghe báo cáo về tình hình triển khai đầu tư, xây dựng và chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông quan trọng quốc gia, gồm: Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; Dự án đường vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội; Dự án đường vành đai 3 TP.HCM; 3 dự án đường cao tốc: Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.
Kết luận chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ chia sẻ với những mất mát và tổn thất của người dân miền Trung gặp nạn do thiên tai gây ra trong mấy ngày qua.
Thủ tướng cơ bản đồng tình với các báo cáo và tán thành với các đề xuất trong các báo cáo. Nhận định về thời gian tới, bên cạnh những cơ hội thuận lợi sẽ có không ít những khó khăn thách thức đan xen, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan và địa phương tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp; kiểm soát được dịch bệnh, siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quyết liệt hơn nữa trong giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài; tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA; tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công; thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; khẩn trương triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi….
Minh Hảo. Ảnh: Đàm Thanh
Theo Cục Cảnh sát giao thông, sẽ sớm có quy định hướng dẫn chi trả…
Năm 2024 là năm đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ của TP Hải Phòng…
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, giáo viên các trường công lập tại thành phố…
Chiều 3/1, theo thông tin của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành…
Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy…
Theo quy định của thông tư về dạy thêm, học thêm mới, tổ chức, cá…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More