Các dự án có doanh thu phí không đạt như phương án tài chính dự kiến có nguy cơ dẫn đến rủi ro phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, phát sinh nợ xấu.
Báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN cho biết, trong 57 dự án BOT do cơ quan này quản lý, có 27 dự án có doanh thu tăng và 26 dự án doanh thu giảm so với hợp đồng; 4 dự án còn lại do mới vận hành, khai thác nên chưa đánh giá.
Việc các dự án bị sụt giảm doanh thu có nhiều nguyên nhân, như do lưu lượng thực tế thấp hơn so với dự kiến hợp đồng; tỷ lệ tăng trưởng doanh thu thực tế thấp hơn so với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu dự kiến trong hợp đồng; phân lưu lưu lượng phương tiện sang tuyến đường song hành; giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ và giảm giá cho khu vực lân cận trạm thu phí; trạm thu phí chưa được đưa vào khai thác theo quy định trong hợp đồng hoặc thời gian đưa vào thu phí chậm so với hợp đồng.
Thậm chí, có những dự án, phương tiện qua lại trên tuyến tăng đều đặn, nhưng doanh thu vẫn sụt giảm do tỷ lệ sử dụng vé tháng/quý cao bất thường so với phương án tài chính hoặc do phải giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ và miễn giảm phí cho khu vực lân cận trạm thu phí như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, BOT QL1 qua Quảng Nam, BOT Nam Cầu Giẽ…
Thống kê từ các ngân hàng thương mại cho hay, hiện có 32% các dự án BOT đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu thu phí không đạt như dự kiến, dư nợ cho vay đối với các dự án này vào khoảng 43.000 tỉ đồng. Các dự án có doanh thu phí không đạt như phương án tài chính dự kiến có nguy cơ dẫn đến rủi ro phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, phát sinh nợ xấu.