Báo Đầu tư CK trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 16/7 của các công ty chứng khoán.
CTCK Bản Việt (VCSC)
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) đã tổ chức hội nghị sơ kết ngày 12/07/2019, trong đó công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng 2019. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế 6 tháng 2019 đạt 1,5 nghìn tỷ đồng (tăng 50,6% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 55% dự báo cả năm của chúng tôi.
Tổng tài sản vào cuối 6 tháng 2019 đạt 439 nghìn tỷ đồng (+8,1% tính từ đầu năm), với tăng trưởng khoản vay gộp đạt 8,7% YTD so với dự phóng 2019 đạt 15,5%. Tỷ lệ nợ xấu quý 2/2019 đạt 1,96% so với tỷ lệ cuối năm 2018 là 2,11% – phù hợp với dự báo của chúng tôi là 1,9% cho năm 2019.
STB cho biết đã giải quyết 11 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019, tương đương với 14,8% tài sản không sinh lời (NPA) vào cuối năm 2018. Dựa vào các số liệu báo cáo, chúng tôi ước tính tổng NPA trong tổng tài sản tính đến cuối quý 2/2019 là 14,4% so với 18,3% vào cuối năm 2018.
Số liệu sơ bộ không cho phép chúng tôi tính toán diễn biến NIM trong quý 2/2019, vốn là thước đo quan trọng của STB. Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho STB với giá 17.900 đồng/CP.
2. GMD: Liên doanh với CJ sẽ giúp tăng gấp đôi doanh thu mảng logistics
CTCP KIS Việt Nam (KIS)
Theo Gemadept, sản lượng hàng container của hãng đã tăng khoảng 5% n/n, trong khi đó tổng sản lượng container của Việt Nam chỉ tăng 3% trong 6 tháng T2019 (dữ liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam). Tăng trưởng này của Gemadept chủ yếu được đến từ hệ thống cảng phía Bắc với động lực chính từ cảng Nam Đình Vũ. Theo quan sát của chúng tôi, cảng Nam Đình Vũ đạt sản lượng khoảng 171.3 nghìn TEU (+234%) trong 6 tháng 2019. Chúng tôi kỳ vọng con số này sẽ đạt hơn 300 nghìn TEU (+62% n/n) vào cuối năm nay.
Tốc độ tăng trưởng vượt bậc này là do (1) Nam Đình Vũ chính thức hoạt động từ tháng 05/2018; do đó, con số 2018 làm cơ sở để so sánh tăng trưởng tương đối thấp; (2) luồng hàng từ các cảng thượng nguồn của sông Cấm (khoảng 1 triệu TEU/năm) tiếp tục đổ về các cảng hạ nguồn nhưng hiện tại chỉ có cảng Nam Đình Vũ có khả năng phục vụ (các cảng khác hiện đã đạt công suất tối đa); (3) sự tăng trưởng về sản lượng hàng container qua cảng tại khu vực Hải Phòng.
Quy định về khung giá dịch vụ mới có hiệu lực từ đầu năm 2019 đã tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các cảng trong khu vực này khi mức giá sàn mới cao hơn 10% so với bình quân giá thực tế hiện tại. Nhìn chung, doanh thu ước tính của hệ thống cảng Gemadept đã tăng khoảng 9 – 10% trong quý II/2019; do đó, tốc độ tăng trưởng 6 tháng năm 2019 của phân khúc cảng sẽ vào khoảng 11% (1.132 tỷ đồng).
Về tiến độ xây dựng Gemalink, chúng tôi đã có chuyến thăm công trường xây dựng Gemalink vào ngày 10/07/2019. Kể từ khi chính thức tái khởi động vào tháng 02/2019, có thể thấy rõ một số thay đổi và các hoạt động xây dựng tại khu vực thi công. Nhà thầu chính – CTCP Phú Xuân – đã huy động trang thiết bị và đang tiến hành xây dựng các hạng mục chính của dự án như cầu bến.
Với tốc độ xây dựng như hiện nay, công ty kỳ vọng Gemalink sẽ bắt đầu hoạt động từ quý III/2020; giai đoạn vận hành thử sẽ vào khoảng 6 tháng sau đó. Nếu mọi việc theo đúng như kế hoạch, công suất hệ thống cảng và sản lượng container của Gemadept sẽ tăng gấp đôi từ năm 2021 trở đi khi hãng tàu CMA-CGM dự kiến sẽ cung ứng ít nhất 80% công suất Gemalink (giai đoạn 1).
Bên cạnh đó, gần đây, cổ đông tổ chức lớn nhất của Gemadept – VI Fund – đã bán 10% cổ phần cho SSJ Consulting Việt Nam (công ty con của Sumitomo). Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của VI Fund đã giảm từ 30.44% xuống 20.44%; bao gồm cả cổ phần của người đại diện (Bà Lê Thúy Hương) thì tổng số cổ phần của VI Fund là 25.4%.
Mặt khác, với việc đầu tư vào một nhà khai thác cảng lớn của Việt Nam với tổng số vốn lên tới 37 triệu USD (khoảng 28 nghìn đồng/cổ phiếu), Sumitomo – hiện đang sở hữu 3 khu công nghiệp ở ngoại ô Hà Nội và một đơn vị logistics tại Việt Nam – đang hướng tới mở rộng chuỗi logistics tại Việt Nam khi lĩnh vực này sẽ có tiềm năng được hưởng lợi từ Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Do phần lớn mảng logistics của Gemadept đã chuyển sang liên doanh với CJ vào năm 2018, ban lãnh đạo Gemadept kỳ vọng rằng liên doanh này sẽ tăng gấp đôi doanh thu mảng logistics trong vòng 3 năm và giúp công ty tiếp cận thị trường khu vực. Họ cũng đề cập rằng hoạt động của liên doanh với CJ khác với các dịch vụ logistics mà Gemadept đang cung cấp. Trong đó, các dịch vụ của liên doanh này chủ yếu là dịch vụ hợp đồng logistics (dịch vụ logistics phi tài sản).