Print Thứ Bảy, 07/10/2023 13:15 Gốc

Để ngăn chặn tình trạng địa điểm phản cảm cắm tràn lan trên Google Maps, cần sự vào cuộc của các địa phương, nơi các địa điểm này “đóng cọc” và các cơ quan quản lý chuyên ngành.

Như Lao Động đã phản ánh, thời gian gần đây, hàng loạt địa điểm về dịch vụ nhạy cảm, cá độ bóng đá, bán bóng cười… xuất hiện trên Google Maps.

Chỉ cần gõ cụm từ “mát-xa kích dục” vào ô tìm kiếm, ứng dụng này lập tức trả về hàng loạt kết quả. Một vị trí giới thiệu là khách sạn tại Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội) được gắn thẻ thông tin là “mát-xa khiêu dâm” kèm theo đó là các hình ảnh và số điện thoại. Người dùng nếu click vào thẻ thông tin này sẽ được đề xuất thêm nhiều địa điểm khác có dịch vụ tương tự.

Phía bên dưới các địa điểm này, rất nhiều tài khoản để lại đánh giá và lời bình luận như “các cô gái rất nhiệt tình với công việc của mình”; “dịch vụ rất tốt, tôi cảm thấy ưng ý”…

Địa điểm kinh doanh vi phạm pháp luật xuất hiện trên Google Maps. Ảnh chụp màn hình.

Hay với cụm từ “nhà cái”, kết quả trả về là một địa điểm tại Hà Đông, Hà Nội. Điều đáng nói, link website đi kèm với địa điểm này lại dẫn người dùng đến một website với các dịch vụ casino, game bài, soi kèo, đá gà… Dù địa chỉ trên Google Maps là Hà Đông, Hà Nội, song trên website lại giới thiệu trụ sở đặt tại Campuchia.

Địa điểm này hiện đang được đánh giá 4/5 sao trên ứng dụng này. Một số địa điểm khác tại An Dương Vương (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) hay Hoàng Ngân (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cũng được đính kèm số điện thoại liên hệ và link website cá độ.

Các địa điểm liên quan đến “bóng cười” cũng xuất hiện tràn lan trên nền tảng này. Kèm theo đó là số điện thoại, website, giá sản phẩm…

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí chiều ngày 5.10, một lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) cho biết, Google Maps là nền tảng của công ty Google để cung cấp dịch vụ về bản đồ. Các địa điểm này có thể chỉnh sửa, cập nhật những địa chỉ trên bản đồ ấy.

Trong thời gian vừa qua, Bộ TTTT đã nhận được nhiều phản ánh của cơ quan báo chí, các địa phương, tổ chức, cá nhân về một số địa danh trên Google Maps không được hiển thị đúng, ví dụ như địa danh Hoàng Sa, Trường Sa hay các địa danh sát các khu vực biên giới. Khi đó, Bộ TTTT đã yêu cầu Google kiểm tra và cập nhật lại cho đúng với các địa danh.

Về tình trạng địa điểm phản cảm trên Google Maps, lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT), có 2 cách xử lý. Trước hết, địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan phải kiểm tra và xử lý đối tượng đăng tải.

Khi họ kinh doanh bóng cười, có địa điểm cụ thể tại địa phương thì địa phương đó phải xử lý các đối tượng. Đây là giải pháp căn cơ để xử lý vi phạm”, đại diện Bộ TTTT cho biết.

Trong trường hợp những địa chỉ kinh doanh vi phạm không có thật vì ẩn danh, các bộ, ngành, địa phương có thể gửi thông tin đến Bộ TTTT. Khi đó, Bộ TTTT sẽ yêu cầu Google xóa những địa danh vi phạm pháp luật.

Theo tìm hiểu của Lao Động, Google Maps là một dịch vụ bản đồ số do Google phát triển, được ra mắt vào năm 2005. Google Maps đã nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng phổ biến nhất trên thế giới. Thông qua Google Maps, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm địa chỉ, tra cứu đường đi, đo khoảng cách các địa điểm, định vị vị trí hiện tại, theo dõi lịch trình di chuyển…

Bên cạnh những lợi ích mà Google Maps mang lại cho người dùng thì bản đồ số này đang bị một số đối tượng xấu lợi dụng để quảng cáo các dịch vụ vi phạm pháp luật.

Khánh An

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: 2 cách xử lý chiêu trò cắm địa điểm phản cảm trên Google Maps
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác