Chính trị

Thông tin về bố trí, sắp xếp trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 311 điểm nhà thuộc sở hữu nhà nước, đại diện chủ sở hữu là Ủy ban nhân dân thành phố, giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng quản lý, cho thuê vào mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làm trụ sở làm việc. Quá trình quản lý, kinh doanh quỹ nhà trên đã bộc lộ rất nhiều bất cập và phức tạp, Tình trạng bên thuê nhà sử dụng nhà thuê không đúng mục đích, tự ý cho thuê, tự ý sửa chữa, nợ tiền thuê nhà, tranh chấp quyền thuê nhà… diễn ra khá phổ biến, dẫn đến việc sử dụng tài sản thuộc sở hữu nhà nước không đúng quy định và không hiệu quả. Những bất cập trên cho thấy, việc tiếp tục quản lý và cho thuê quỹ nhà trên theo phương thức cũ không còn phù hợp, cần thiết phải sắp xếp để xử lý. Ủy ban nhân dân thành phố đã xây dựng phương án rà soát, sắp xếp lại tổng thể quỹ nhà. Trong đó có việc bố trí, sắp xếp trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố tại số 19 Trần Hưng Đạo. Quá trình sử dụng trụ sở số 19 Trần Hưng Đạo, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật với tư cách là bên thuê đã vi phạm Hợp đồng thuê nhà như: Nợ tiền thuê nhà; trong nhiều năm tự ý cho thuê lại (kinh doanh nhiều loại hình như: quán café, quán ăn, nơi chiếu phim).

Ngày 28/7/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã họp với các Hội đặc thù. Các Hội cơ bản thống nhất với phương án sắp xếp trụ sở làm việc về quỹ nhà trên, trong đó có Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố. Căn cứ hiện trạng quản lý sử dụng, để giải quyết các tồn tại bất cập và lập phương án sắp xếp, xử lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước đang cho thuê phù hợp với thực tế, thành phố đã quyết định Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách thành phố để chi trả khoản nợ tiền thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước đối với các Hội đặc thù; Sử dụng ngân sách để cải tạo và bố trí cho các Hội đặc thù tạm sử dụng các quỹ nhà tại số 6-8 Minh Khai để làm trụ sở làm việc. Sau khi bố trí các Hội đặc thù sang địa điểm làm việc mới, thu hồi quỹ nhà trụ sở cũ của các Hội để thực hiện việc sắp xếp và xử lý tài sản theo quy định theo hướng ưu tiên sử dụng vào các mục đích công cộng phục vụ nhân dân. Trường hợp không thể sử dụng vào các mục đích công cộng sẽ bán đấu giá để tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố.

Hiện nay, các công trình tại số 6-8 Minh Khai đang được thành phố giao Văn phòng Thành ủy thực hiện cải tạo, sửa chữa để phục vụ di chuyển trụ sở của các Hội đặc thù, trong đó dự kiến Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố được bố trí trụ sở với diện tích các phòng làm việc tổng cộng là 188m². Ngoài ra, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật được sử dụng chung diện tích hơn 950m² khuôn viên sân, nơi đỗ xe với các Hội đặc thù khác ở số 6-8 Minh Khai. Đồng thời, trụ sở số 6-8 Minh Khai rất gần Trung tâm hội nghị thành phố, nên các Hội có nhu cầu sử dụng các phòng họp để tổ chức các hoạt động, sự kiện khi cần thiết, thành phố sẵn sàng bố trí nhằm phục vụ tốt nhất hoạt động của các Hội đặc thù.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều thông tin trên mạng xã hội và một số báo chí đăng tải chưa đầy đủ, toàn diện về việc bố trí trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố, tạo dư luận không tốt trong nhân dân thành phố, nhất là văn nghệ sĩ thành phố.

Sau khi các các bài báo và trang mạng xã hội đăng tải, chia sẻ các bài viết, có nhiều phản hồi không mang tính xây dựng, tiêu cực, suy diễn, thậm chí có những quan điểm lệch lạc về sự quan tâm của thành phố Hải Phòng đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã nhiều lần làm việc với đại diện thường trực Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, đồng thời khẳng định sự quan tâm của thành phố Hải Phòng đối với lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật trong những năm qua; vai trò, sự cống hiến của văn nghệ sĩ thành phố và văn học nghệ thuật đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.

Qua ý kiến đề xuất của các cơ quan liên quan, Thường trực Thành ủy đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung phối hợp, xử lý việc di chuyển trụ sở làm việc của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng, trong đó khẳng định thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật với vai trò nền tảng tinh thần xã hội, đã và đang có nhiều đóng góp, đồng hành cùng sự phát triển của thành phố. Thống nhất tạm dừng chủ trương di chuyển trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật về địa chỉ số 6-8 Minh Khai; tính toán tổng thể vị trí đặt trụ sở của các hội đặc thù trên địa bàn thành phố khi các cơ quan của thành phố chuyển sang Trung tâm Chính trị – Hành chính thành phố tại huyện Thủy Nguyên trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét về vấn đề này; đồng thời xem xét xử lý vi phạm (nếu có) trong việc quản lý, sử dụng tài sản công của Thường trực Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố. Giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan có liên quan đối thoại với văn nghệ sĩ; phối hợp với các ngành liên quan nắm bắt tình hình tư tưởng, không để bị lợi dụng nhằm kích động, xuyên tạc gây mất an ninh chính trị trên địa bàn thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, chiều ngày 14/9, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, các đồng chí: Đào Khánh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đồng chủ trì cuộc gặp mặt, đối thoại với Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố, cán bộ viên chức Văn phòng Hội và đại diện 09 hội chuyên ngành thuộc Hội về các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động và vấn đề trụ sở của Hội. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Thành ủy, Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND thành phố, Thanh tra thành phố, Công an thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, UBND quận Hồng Bàng. Trên tinh thần công khai, thẳng thắn, cởi mở, có 15 ý kiến của lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố, các văn nghệ sĩ và ý kiến của các cơ quan thành phố, ý kiến của các đồng chí chủ trì cuộc làm việc đã giải đáp, cung cấp, làm rõ thông tin và định hướng như sau:

1. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng thành phố luôn quan tâm và đã có nhiều chủ trương, cơ chế nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho sự phát triển văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ thành phố: Thành ủy Hải Phòng đã quan tâm tới công tác văn học, nghệ thuật, đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa, nghệ thuật. Ủy ban nhân dân thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý về hội (Quyết định về chế độ thù lao đối với chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn thành phố Hải Phòng (Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật được hưởng mức thù lao hàng tháng là 4,0 lần so với mức lương tối thiểu chung); quy định về tổ chức, hoạt động và trách nhiệm quản lý nhà nước về hội trên địa bàn thành phố; quyết định giao số người làm việc hàng năm; giao Sở Văn hóa và Thể thao hỗ trợ, phối hợp với Hội để cùng thực hiện các hoạt động và các đề xuất; chủ trì cùng với các cơ quan liên quan xác định các yếu tố cần thiết (quy mô, địa điểm, chủ đầu tư) cùng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng Bảo tàng Văn học nghệ thuật thành phố tại Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố…).

Về sự quan tâm cụ thể đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và đảm bảo cho hoạt động của các hội: Thành ủy đã chỉ đạo chưa triển khai sáp nhập các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của thành phố, là một trong số ít tỉnh, thành phố vẫn duy trì mô hình hoạt động của 05 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thành phố (Đoàn chèo, Ca múa, Kịch nói, Múa rối, Cải lương), trong đó có rất nhiều văn nghệ sĩ là hội viên Hội. Hằng năm, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN thành phố đã tổ chức tiếp xúc văn nghệ sĩ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thăm, tặng quà văn nghệ sĩ tiêu biểu thành phố (Trừ thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp). Căn cứ nhiệm vụ được giao, hằng năm Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao cùng các cơ quan liên quan, tổng hợp kinh phí hỗ trợ hoạt động và đời sống của văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố. Ngoài các khoản chi thường xuyên, chi lương, Ủy ban nhân dân thành phố còn đảm bảo kinh phí đối với các hoạt động của 05 đoàn nghệ thuật thành phố; đảm bảo kinh phí thực hiện các giải thưởng, Đề án sân khấu truyền hình với hình thức phát sóng trực tiếp hoặc ghi hình phát sóng trên truyền hình Hải Phòng với số tiền gần 100 tỉ đồng. Hằng năm, trên cơ sở biên chế, nhiệm vụ được giao, Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố về kinh phí hỗ trợ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng trong dự toán chi ngân sách của thành phố theo quy định. Nội dung hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước cho Hội gồm: Nguồn ngân sách thành phố và Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ (Tổng số kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố cho Hội năm 2019 là hơn 2,1 tỷ đồng; năm 2020 là hơn 2 tỷ đồng; năm 2021 là hơn 2,4 tỷ đồng, năm 2022 bố trí hơn 2,3 tỷ đồng).

2. Về Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng: Được xác định là tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp của những người hoạt động văn học nghệ thuật trên địa bàn thành phố Hải Phòng, hoạt động theo Điều lệ tại Quyết định số 2470/QĐ-UBND ngày 09/12/2009 của UBND thành phố. Là 01/17 hội có tính chất đặc thù được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xác nhận tại Quyết định số 1247/QĐ-CT ngày 12/8/2011; là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

3. Về số lượng người làm việc: Theo Quyết định số 117/QĐ-UBND ngày 11/01/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc giao biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thành phố năm 2022: Số lượng người làm việc năm 2022 của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng là 08 người và 02 lao động hợp đồng (số lượng người làm việc của Hội được quản lý và giao riêng, không tính trong tổng số lượng người làm việc (biên chế sự nghiệp) được Bộ Nội vụ giao hàng năm). Số người làm việc hiện có: 06 người làm việc và 01 lao động hợp đồng.

4. Về bố trí trụ sở làm việc: Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp thì đối tượng áp dụng không bao gồm tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp mà chỉ bao gồm: “Cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước”. Căn cứ các quy định nêu trên: Nhà nước chỉ thực hiện giao tài sản, trụ sở để thực hiện nhiệm vụ được giao cho tổ chức chính trị-xã hội. Đối với tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp, nếu đã được Nhà nước giao tài sản (tài sản được giao trước Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) thì phải quản lý, sử dụng theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đối với tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức khác thì phải tự đảm bảo tài sản để hoạt động (không được giao tài sản). Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng là tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp, do đó không thuộc trường hợp được giao trụ sở làm việc theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

5. Về việc quản lý, sử dụng nhà thuê thuộc sở hữu nhà nước của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng: Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà đã ký Hợp đồng thuê nhà số 242/HĐTN ngày 28/6/2007 cho Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng thuê nhà, đất tại số 19 Trần Hưng Đạo với diện tích nhà là 289,2m². Trong thời gian sử dụng, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng đã tự ý cải tạo, sửa chữa, xây dựng một số ngôi nhà trên diện tích khuôn viên 628m².. Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng chỉ sử dụng ngôi 1, nhà 2 tầng để làm trụ sở làm việc. Đối với phần diện tích còn lại, Bên thuê tự ý cho thuê lại, vi phạm các điều khoản trong Hợp đồng thuê nhà đã kí kết với Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà. Tổng diện tích Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng tự ý cho các chủ thể khác sử dụng là 304m².

Ngày 20/12/2019, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Văn bản 4435/VP-XD yêu cầu Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật khẩn trương khắc phục vi phạm Hợp đồng thuê nhà số 19 Trần Hưng Đạo, chấm dứt việc cho các đơn vị khác thuê lại công trình nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà, tình trạng Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng cho thuê lại vẫn tiếp diễn từ đó đến nay.

Kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn các quận từ năm 2000 đến năm 2020 đã xác định Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố Hải Phòng là đơn vị thuê nhà của Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà nhưng không thực hiện đúng theo Hợp đồng đã ký kết, sử dụng nhà thuê sai mục đích, tự ý cho các đơn vị khác thuê lại.

Tại Văn bản số 71/CV-VHNT ngày 16/6/2021, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng báo cáo về việc sử dụng nhà 19 Trần Hưng Đạo như sau: “Một phần diện tích khuôn viên và gara xe ô tô Hội cho Hội viên sử dụng làm nơi gặp gỡ giao lưu trao đổi công việc sáng tác từ năm 2015 đến nay… Ký Hợp đồng năm đầu với Hội viên, những năm sau không có Hợp đồng. Hằng năm, các Hội viên có nộp về Hội một khoản tiền nhất định để để bù tiền điện nước đã sử dụng cũng như hỗ trợ một số chi phí khác cho công tác hội viên”. Cũng tại Văn bản này, Hội báo cáo tổng số tiền thu được từ việc cho thuê nhà từ năm 2015 đến hết năm 2020 là: 1.126.523.031 đồng. Số tiền thu, chi từ hoạt động cho thuê địa điểm trên, Hội theo dõi thu chi trên sổ sách riêng, không ghi chép và hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán của Hội. Việc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng không phản ánh, hạch toán, ghi chép trên hệ thống kế toán của đơn vị khoản tiền thu từ hoạt động cho thuê địa điểm là trái với quy định của Luật Kế toán.

Về tiền thuê nhà, đất tại số 19 Trần Hưng Đạo của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng: Tính đến ngày 31/7/2022, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng còn phải thanh toán số tiền thuê nhà còn nợ từ tháng 01/2007 đến 07/2022 là: 4.407.741.855 đồng (Bốn tỷ, bốn trăm linh bảy triệu, bảy trăm bốn mươi mốt nghìn, tám trăm năm mươi lăm đồng). Thực hiện chủ trương của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan về việc hỗ trợ kinh phí chi trả khoản nợ tiền thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước đối với các Hội đặc thù và một số cơ quan đơn vị, trong đó có Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng.

6. Về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc: Căn cứ tiêu chuẩn, định mức quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (từ 10 đến 12m²/người), biên chế của Hội có 10 người nên không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng nhà số 19 Trần Hưng Đạo để làm trụ sở.

7. Về xây dựng Bảo tàng nghệ thuật thành phố: UBND thành phố đã giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì cùng với các cơ quan liên quan xác định các yếu tố cần thiết (quy mô, địa điểm, chủ đầu tư) cùng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng Bảo tàng Văn học nghệ thuật thành phố tại Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố. Sở Văn hóa và Thể thao đã hai lần có công văn đề nghị Hội phối hợp tiến hành khảo sát, thống kê số lượng hiện vật trưng bày và các nội dung công việc khác liên quan; tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tin, do vậy không đủ điều kiện lập hồ sơ gửi Sở Xây dựng điều chỉnh quy hoạch và hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng Bảo tàng nghệ thuật thành phố theo quy định.

8. Về việc một số văn nghệ sĩ của Hội có Giải thưởng Nhà nước không được mời tham dự các hoạt động do thành phố tổ chức: Trong kế hoạch tổ chức các hoạt động lớn hằng năm, Ban Thường vụ Thành ủy đều quan tâm, đưa vào thành phần mời tham dự và giao cho Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao lập danh sách cụ thể. Việc một số văn nghệ sĩ thành phố có Giải thưởng Nhà nước không có tên trong danh sách tham dự là trách nhiệm trong phối hợp đề xuất của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố.

9. Về nhân sự Tạp chí Cửa Biển: Hiện nay chức danh Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Biển do ông Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố đảm nhiệm, theo Điều 15, Luật Báo chí 2016 quy định: “Người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí không được kiêm nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan báo chí và liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc.”; việc ông Tô Hoàng Vũ là người đứng đầu Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố (Cơ quan chủ quản của Tạp chí Cửa Biển) vừa đảm nhiệm chức danh Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Biển là trái quy định của Luật Báo chí 2016. Các cơ quan chức năng đã lưu ý, trao đổi; sau nhiều lần Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông đôn đốc vẫn đang triển khai.

10. Về các giải thưởng văn học, nghệ thuật thành phố: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2022, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết XVI Đảng bộ thành phố đã đề ra nhiệm vụ “Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tác các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố và đất nước”. Gần đây nhất, trong quá trình triển khai xây dựng Đề án, dự thảo Nghị quyết, Ban Tuyên giáo Thành uỷ đã lấy ý kiến tham gia của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố và đề xuất Thành ủy đưa vào Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 01/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về một số giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng bộ thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có xác định nhiệm vụ, giải pháp: “Phát huy vai trò tích cực của văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; khuyến khích mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật; khôi phục, duy trì và phát triển Giải thưởng Nguyên Hồng về Văn học nghệ thuật…”.

11. Về việc bố trí phương tiện ô tô: Hiện nay, về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, Chính phủ đã có quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019, theo đó, tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô được quy định áp dụng đối với: “Cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức, đơn vị)”. Như vậy, về đối tượng áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, Chính phủ không quy định áp dụng đối với tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp. Do vậy, Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng không thuộc đối tượng được bố trí sử dụng phương tiện ô tô theo quy định hiện hành.

12. Đối với việc bố trí trụ sở Hội: Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất chủ trương tạm thời chưa di chuyển trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng. Tiếp tục giao cho các cơ quan chuyên môn của thành phố rà soát, bố trí địa điểm mới phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội theo quy định của pháp luật. Thành phố tiếp tục thực hiện sắp xếp lại 311 địa điểm tài sản công trên địa bàn theo quy định, có tính đến các yếu tố đặc thù của Hội. Do vậy, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố cần chủ động phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng của thành phố trong tham mưu, đề xuất với thành phố; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan liên quan nắm bắt tình hình, làm tốt công tác tư tưởng đối với văn nghệ sĩ thành phố, triển khai các nhiệm vụ để tiếp tục củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội trong thời gian tới.

13. Về trách nhiệm của Đảng đoàn Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng và lãnh đạo Hội: Cần thẳng thắn, nhận rõ trách nhiệm trong việc chưa tham mưu hoặc chậm tham mưu triển khai thực hiện nghị quyết, chương trình hành động, nhiệm vụ của Thành ủy và chính quyền thành phố đã giao cho Hội để cụ thể hóa theo chức năng, nhiệm vụ của Hội; trong quản lý trụ sở Hội cũng như trong đề xuất về tổ chức, hoạt động của Hội và các hội chuyên ngành với thành phố; việc kết nối thông tin với các cơ quan của thành phố còn thiếu chủ động, chưa kịp thời; thông tin về chủ trương, đường lối, chỉ đạo của thành phố đến các văn nghệ sĩ chưa được thực hiện một cách đầy đủ, cũng như chưa phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ đến với lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng; việc nắm bắt, xử lý thông tin chưa nhanh chóng, thấu đáo, gây nên những bức xúc trong nhân dân, nhất là trong văn nghệ sĩ thành phố thời gian qua.

Nguồn tin: haiphong.gov.vn

Tin khác

Tổng kết và trao giải Báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” năm 2024

Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…

20/12/2024

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Huyện An Dương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More