Việc trở thành những tài xế công nghệ đầu tiên tại Việt Nam là yếu tố then chốt để nghề này ngày càng được chuyên nghiệp hóa, phục vụ khách hàng tốt hơn và được xã hội nhìn nhận xứng đáng hơn.
Trên thị trường hiện nay có khoảng hơn 10 app gọi xe công nghệ đang tranh giành thị phần.
Theo nghiên cứu mới nhất của Google và Temasek, thị trường gọi xe Việt Nam đang có quy mô khoảng 500 triệu USD và sẽ sớm cán mốc 2 tỷ USD trong tương lai gần.
Tăng trưởng thần tốc nhưng sẽ thế nào khi “cuộc chơi” chỉ dựa trên việc giữ tài xế bằng tiền thưởng và giữ khách hàng bằng khuyến mại chứ không dựa vào những giá trị khác để phát triển bền vững?
Cuộc chạy đua mở rộng thị trường, cạnh tranh giữa các hãng gọi xe công nghệ đã khiến cho nhiều tài xế chuyển hãng để có thu nhập cao nhờ tiền thưởng, với hàng ngàn chuyến đi miễn phí cho khách hàng.
Khi một tay chơi mới xuất hiện trên thị trường, các chương trình đồng giá và hỗ trợ cho tài xế lại xuất hiện.
Tuy nhiên khi thị phần đạt được ở mức độ nhất định, các chính sách thưởng lập tức được thắt lại khiến tài xế bị chơi vơi.
Gần đây, BE Group – startup công nghệ Việt Nam, khởi nghiệp trong lĩnh vực vận tải với ứng dụng gọi xe Be đã nhanh chân “đánh” vào tâm lý này của các tài xế. Đó là 126 tài xế công nghệ lần đầu tiên tại Việt Nam được trao Giấy chứng nhận hoàn thành Khóa huấn luyện “Tài xế công nghệ chuyên nghiệp” do công ty và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH bắt tay thực hiện.
Khóa huấn luyện đã đem đến những kiến thức – kỹ năng vô cùng cần thiết và quan trọng cho tài xế, gồm: kiến thức lái xe đúng luật và an toàn, kỹ năng xử lý tình huống giao thông (giả định), nâng cao dịch vụ khách hàng, kiểm soát căng thẳng.
Với việc bùng nổ các ứng dụng gọi xe công nghệ trên thị trường hiện nay nhưng các hãng chưa thật sự được chú trong trong khâu huấn luyện, đào tạo bài bản. Đặc biệt, khi khung pháp lý chưa hoàn thiện về chế độ quyền lợi, nghĩa vụ đã góp phần dẫn đến tình trạng lộn xộn, thiếu quản lý chặt chẽ dành cho lực lượng này. Một phần bởi cách nhìn nhận phiến diện thiếu tôn trọng từ một bộ phần cộng đồng, khiến đôi khi tài xế chưa có thái độ nghiêm túc, chuyên nghiệp với nghề.
Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc BE Group, việc trở thành những tài xế công nghệ đầu tiên tại Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận này sẽ là nguồn động lực to lớn để họ cố gắng hơn từng ngày trong việc cải thiện kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng dịch vụ với khách hàng. Đây là yếu tố then chốt để nghề này ngày càng được chuyên nghiệp hóa, phục vụ khách hàng tốt hơn và được xã hội nhìn nhận xứng đáng hơn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho rằng, đây là tiền đề để xây dựng lộ trình đưa lái xe công nghệ vào quy chuẩn, có quản lý nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn giao thông, từ đó tạo quy chuẩn để trở thành một nghề trong kỳ thi nghề quốc gia.
Hiện Be đã được tải xuống 5,5 triệu thiết bị di động với 60.000 tài xế, khoảng 350.000 chuyến xe được yêu cầu mỗi ngày và đã hoàn thành khoảng 36 triệu chuyến xe beBike và beCar kể từ khi bắt đầu chính thức triển khai dịch vụ từ tháng 12/2018 đến nay. Be đã có mặt tại 9 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng.