Print Thứ tư, 22/05/2019 08:08

Chính phủ vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương

Mười hai dự án (DA), doanh nghiệp (DN) chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương bao gồm: DA Nhà máy Sản xuất đạm Ninh Bình, DA cải tạo, mở rộng Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc, DA Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng, DA Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, DA Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) Quảng Ngãi, DA Nhà máy Sản xuất NLSH Phú Thọ, DA Nhà máy Sản xuất NLSH Bình Phước, DA mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, DA khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và DA Nhà máy Gang thép Lào Cai (DA Nhà máy Thép Việt – Trung), DA Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, DA Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (Công ty DQS).

Dứt lỗ, vận hành trở lại

Trong số 6 nhà máy trước đây sản xuất – kinh doanh thua lỗ, đến năm 2018 đã có 2 nhà máy bước đầu có lãi. Cụ thể, Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng đạt lợi nhuận 195,55 tỉ đồng (tăng 180,767 tỉ đồng so với năm 2017) và Nhà máy Thép Việt – Trung đạt lợi nhuận 456,8 tỉ đồng (tăng 290,6 tỉ đồng). Đến hết quý I/2019, Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng tiếp tục sản xuất – kinh doanh có lãi (lợi nhuận đạt 18,263 tỉ đồng) và đang được xem xét để đưa ra khỏi danh sách các DA, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc Ảnh: HOÀI DƯƠNG

Bốn DA còn lại tiếp tục khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất. Trong năm 2018, Nhà máy Đạm Hà Bắc giảm lỗ 266,2 tỉ đồng; Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai giảm lỗ 288,48 tỉ đồng và Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 10 tỉ đồng so với năm 2017; Công ty DQS lỗ 98,15 tỉ đồng… Trong quý I/2019, Nhà máy Đạm Hà Bắc giảm lỗ 30,25 tỉ đồng; Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai giảm lỗ 5,47 tỉ đồng; Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 87,2 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2018.

Trong số 3 DA bị dừng sản xuất – kinh doanh, đến nay DA Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ và DA Nhà máy Sản xuất NLSH Quảng Ngãi đã vận hành sản xuất trở lại, DA Nhà máy Sản xuất NLSH Bình Phước đã hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi động nhà máy.

Đối với 3 DA xây dựng dở dang, Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả định giá để tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức triển khai bán đấu giá DA dự kiến trong quý II/2019; DA Nhà máy Sản xuất NLSH Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính, các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai DA; DA mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC với MCC và các nhà thầu phụ.

Giải được bài toán tài chính, bảo đảm việc làm

Việc xử lý các DA đã bảo đảm tuân thủ nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN; nhà nước không cấp thêm vốn vào các DA, đồng thời Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện việc rút thành công 1.000 tỉ đồng từ phần vốn góp của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vào DA mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.

Đến ngày 31-10-2018, tổng số dư cấp tín dụng là 20.943 tỉ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng ở các DA, DN đã giảm 348 tỉ đồng (so với thời điểm ngày 31-1-2018). Bên cạnh đó, một số vấn đề phức tạp, khó giải quyết về pháp lý ở các DA cũng đã được các đơn vị tập trung xử lý có hiệu quả.

Các DA đi vào hoạt động đã bảo đảm duy trì việc làm và đời sống cho hàng ngàn lao động, góp phần ổn định chính trị – xã hội tại địa phương, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện xử lý dứt điểm và có hiệu quả các DA.

Kiên quyết khởi tố, đẩy mạnh điều tra

Bộ Công an đang làm việc với các đơn vị liên quan để xác minh, củng cố chứng cứ để truy tố các cá nhân có sai phạm tại 5/12 DA, DN khác (gồm DA Nhà máy Sản xuất NLSH Quảng Ngãi, DA Nhà máy Đạm Ninh Bình, DA Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, DA Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Công ty DQS và DA mở rộng giai đoạn II Nhà máy Gang thép Thái Nguyên). Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đối với một số vấn đề phức tạp tại 3/5 DA gồm DA Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, DA Nhà máy Bột giấy Phương Nam và DA mở rộng giai đoạn II Nhà máy Gang thép Thái Nguyên và tiếp tục điều tra làm rõ các sai phạm (nếu có) tại các DA, DN khác.

Đến nay, Bộ Công an khởi tố, điều tra 3/12 DA. Trong đó, Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra và TAND TP Hà Nội đã hoàn tất xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và tuyên phạt các bị cáo liên quan đến DA Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ tại vụ án “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (VPTex); khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại DA mở rộng giai đoạn II Nhà máy Gang thép Thái Nguyên và đang mở rộng điều tra, củng cố chứng cứ liên quan đến DA Nhà máy Sản xuất NLSH Phú Thọ tại vụ án “Vi phạm các quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và NLSH dầu khí. 

Sắp đưa 8 vụ án tham nhũng lớn ra tòa

Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì đã diễn ra vào sáng 21-5.

Các thành viên dự họp đã thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 15 đến nay. Theo TTXVN, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị từ nay đến hết năm 2019 kết thúc điều tra 28 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 24 vụ án, xét xử sơ thẩm 29 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh 36 vụ việc. Trong đó, tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 8 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2019, gồm:

– Vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây gậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

– Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty Hải Thành.

– Vụ án “Nhận hối lộ, Đưa hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

– Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và NLSH dầu khí (PVB), Phú Thọ.

– Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam.

– Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý đất đai; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP Đà Nẵng.

– Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

– Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM.

HOÀI PHƯƠNG

Nguồn. Người Lao động

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: 12 dự án kém đã chuyển biến tích cực
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác