12 dự án yếu kém ngành công thương: Mới chỉ có 2 dự án sinh lời

12 dự án yếu kém của ngành Công Thương sẽ được chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Việc này đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Công Thương mau chóng hoàn thiện các thủ tục, báo cáo và bàn giao sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương ngày hôm qua, 27.3. Trong khi đó, một số dự án trong 12 dự án trên dù được đánh giá là có nhiều tiến bộ song chưa một dự án nào được quyết định cho thoát ra khỏi “danh sách đen”.

2/12 dự án đã kinh doanh có lãi

Đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Khánh báo cáo sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 33/2016/QH14 của Quốc hội và hơn 1 năm thực hiện Đề án xử lý các dự án, doanh nghiệp theo Quyết định 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, tình hình ở 12 dự án, doanh nghiệp tiếp tục có các chuyển biến tích cực. Cụ thể, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến năm 2018 đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi. Đó là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng (lãi 195,5 tỉ đồng, tăng gần 180,8 tỉ so với năm 2017) và Nhà máy thép Việt – Trung lãi 469 tỉ đồng (tăng 159 tỉ so với năm 2017). Hiện cả 2 nhà máy này đang tiếp tục hoạt động hiệu quả.

4 nhà máy còn lại là Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 – Lào Cai, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Cty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất vẫn đang từng bước khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất. Điều đáng ghi nhận nhất là nhóm này đang dần giảm lỗ từ hàng chục tỉ tới gần 300 tỉ đồng trong năm 2018. Trong số 2/3 dự án bị dừng sản xuất kinh doanh hiện đã hoạt động trở lại là Dự án Nhà máy sản xuất tơ sợi polyester Đình Vũ và Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; còn dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đã hoàn tất công tác chuẩn bị và sẵn sàng đi vào hoạt động.

Khó khăn nhất hiện nay là Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên. 3 dự án này đang vướng mắc ở nhiều vấn đề, trong đó phức tạp nhất là không giải quyết được các tranh chấp hợp đồng EPC.

Tiếp tục tăng cường giám sát

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, mặc dù kết quả sản xuất kinh doanh chuyển biến ở 12 dự án là tích cực song lại chưa có đánh giá cụ thể về tình hình tài chính. Ví dụ chưa nêu lên được tính ổn định của xu hướng này và nguồn lãi trở lại cụ thể là đâu: Do hoạt động sản xuất kinh doanh chính hay nhờ cắt giảm chi phí doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo Phụ lục báo cáo của Bộ Công Thương về diễn biến tình hình tài chính các dự án giai đoạn 2016 – 2018 cho thấy, các chỉ tiêu của 12 dự án (vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, nợ phải trả, lỗ lũy kế) đều có chiều hướng xấu đi (vốn chủ sở hữu của 12 dự án lần lượt qua các năm 2016; 2017; 2018 là: 1.045 tỉ đồng, âm 1.151 tỉ đồng, âm 3.116 tỉ đồng; lỗ lũy kế là: âm 16.309 tỉ đồng, âm 19.160 tỉ đồng và âm 21.164 tỉ đồng; tổng tài sản giảm, nợ phải trả tăng).

Trong khi đó, so sánh số liệu giữa phụ lục báo cáo của Bộ Công Thương với số liệu năm 2016 đã được phê duyệt tại Quyết định 1468 sẽ thấy được sự thiếu đồng nhất, tổng tài sản ở thời điểm đó lớn hơn tổng tài sản trong phụ lục gần 2.000 tỉ đồng nhưng nợ phải trả lại nhỏ hơn phụ lục.

Những lý do trên có thể là cản trở để việc cho phép các dự án tuy có tiến bộ so với trước nhưng chưa thể thoát khỏi “danh sách đen”.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với đề xuất của Bộ Công Thương về việc chuyển giao các dự án, doanh nghiệp (đang thua lỗ) từ Bộ Công Thương về UBQLVNN và giao Bộ Công Thương có nhiệm vụ xây dựng, đề xuất kiện toàn lại Ban chỉ đạo theo hướng giữ nguyên hiện tại, “bổ sung thêm Bộ Thông tin & Truyền thông làm công tác truyền thông…; bổ sung đồng chí Chủ tịch UBQLVNN tham gia ban chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ Phó Trưởng ban Chỉ đạo thường trực. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương vẫn thực hiện nhiệm vụ Phó Trưởng ban Chỉ đạo. Cơ quan thường trực để giúp Ban chỉ đạo sẽ là UBQLVNN. Sau khi có quyết định của Thủ tướng, sẽ tổ chức việc bàn giao hồ sơ tài liệu, khẩn trương giải quyết công việc này. Cho dù đã bàn giao thì Bộ Công Thương vẫn tiếp tục sát cánh cùng giải quyết khó khăn” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các bộ, ban ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ… tiếp tục phối hợp, hỗ trợ kịp thời, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sai phạm trong quá trình đầu tư.

ĐỨC THÀNH Theo Báo Lao động

Nguồn tin: Báo Lao động

Tin khác

Tổng kết và trao giải Báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” năm 2024

Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…

20/12/2024

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Huyện An Dương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More