Giáo dục

10 tỉnh, thành có tỷ lệ học sinh giỏi cao nhất cả nước

Top 10 địa phương về tỷ lệ học sinh giỏi lớp 11,12 tập trung ở đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Tây, Hải Phòng dẫn đầu.

Con số này được đưa ra trong dự thảo báo cáo năm học cấp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 20-21/7 tại Nghệ An. Do đây là năm đầu tiên học sinh lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới (2018), việc xếp loại học sinh giỏi, khá, trung bình và yếu kém áp dụng với học sinh lớp 11 và 12 (học chương trình 2006).

Hải Phòng dẫn đầu về tỷ lệ học sinh giỏi (điểm trung bình trên 8) với hơn 62% trong tổng số 42.500 học sinh đạt. Tỷ lệ học sinh khá là 31,6%, còn lại xếp loại trung bình và yếu, kém.

Xếp thứ hai là Hà Nội với 58,17% trong tổng số học sinh đạt loại giỏi. Dù vậy, nếu xét số tuyệt đối, Hà Nội có 100.000 học sinh giỏi, đông hơn Hải Phòng (26.500). Tỷ lệ học sinh xếp loại khá, trung bình của thủ đô lần lượt 35,67 và 5,85%.

Nam Định, Long An cũng có tỷ lệ học sinh giỏi trên 50% tổng số học sinh. Các tỉnh khác là An Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Nam, Hải Dương, Tiền Giang, TP HCM, Vĩnh Long đạt trên 40%.

Ở chiều ngược lại, Thanh Hóa là địa phương duy nhất có dưới 1% học sinh lớp 11, 12 đạt loại giỏi. Chỉ 270 trong hơn 64.000 học sinh lớp 11, 12 của tỉnh này đạt loại giỏi, tức 0,42%. Tỷ lệ giỏi thấp khiến số học sinh đạt loại khá của Thanh Hóa lên tới hơn 90%, cao nhất cả nước.

Hai tỉnh có dưới 10% học sinh giỏi là Lai Châu, Sơn La; dưới 20% có Bắc Kạn, Điện Biên Cao Bằng, Bạc Liêu, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.

Về hạnh kiểm, hầu hết tỉnh thành đều có trên 80% học sinh đạt loại tốt, nhiều nơi trên 90%. Hà Nam cao nhất với hơn 96,3%; Lai Châu thấp nhất, gần 52,6%.

Xét trung bình cả nước, trong 1,7 triệu học sinh lớp 11, 12, tỷ lệ học sinh giỏi là 35%, hạnh kiểm tốt là 89%. Sáu tỉnh chưa có số liệu thống kê, gồm Đăk Nông, Kon Tum, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tuyên Quang, Thái Bình.

Trong dự thảo báo cáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo không bình luận về những con số này. Bộ cho biết việc kiểm tra, đánh giá học sinh của trường THPT đã được các Sở hướng dẫn thực hiện theo quy định. Các trường học cũng được chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp theo từng môn và định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Bài kiểm tra học kỳ có thể diễn ra trên giấy hoặc máy tính. Bộ cũng khuyến khích các trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi, sử dụng các bài thực hành, dự án học tập thay cho kiểm tra truyền thống.

Học sinh Hải Phòng dự thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Lê Tân.

Với học sinh lớp 10 theo chương trình mới, việc đánh giá theo bốn mức, gồm: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt. Năm học qua, cả nước có hơn 930.000 học sinh lớp 10. Tỷ lệ học sinh đạt loại học lực tốt là 28,4%. Từ năm học 2023-2024, chương trình và cách đánh giá mới sẽ áp dụng với lớp 11, và với lớp 12 vào năm tiếp theo.

Hiện, ngoài sử dụng để đánh giá chất lượng giáo dục, kết quả học tập của học sinh THPT còn được hầu hết đại học dùng để xét tuyển đầu vào. Hình thức phổ biến là xét điểm trung bình tất cả môn học hoặc ba môn trong tổ hợp ở 5-6 học kỳ. Một số trường có thêm tiêu chí về chứng chỉ ngoại ngữ hoặc xét kết hợp với điểm thi tốt nghiệp.

Đến năm 2015, kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác xét tuyển đại học dự kiến có một số thay đổi để đáp ứng với cách đánh giá theo chương trình phổ thông mới.

Thanh Hằng

Tin khác

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Huyện An Dương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More