Sau 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, lĩnh vực khai thác thủy sản của Hải Phòng đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó công suất đội tàu và sản lượng thủy sản khai thác tăng gấp đôi. Tuy nhiên, cũng còn một số khó khăn, thách thức cần khắc phục. Phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc trao đổi với đồng chí NGUYỄN TỰ TRỌNG, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) chung quanh vấn đề này.
Đội tàu đánh cá xã Lập Lễ về bến cá Mắt Rồng (huyện Thủy Nguyên).
Ảnh: DUY LÂN
– Đồng chí cho biết sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, đến nay hiệu quả hoạt động đội tàu khai thác vươn khơi đánh bắt thủy sản Hải Phòng như thế nào ?
Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, đến nay khai thác thủy sản của Hải Phòng nói chung và đánh bắt xa bờ nói riêng đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, số tàu, thuyền khai thác thủy sản thành phố tuy giảm về số lượng từ 3.987 tàu (năm 2008) xuống 2.880 tàu (năm 2017) nhưng tổng công suất tăng từ 98.991 CV (năm 2008) lên 214.700 CV (năm 2017), tốc độ tăng công suất bình quân tàu cá đạt 8,98%/năm. Cùng với đó là sản lượng khai thác liên tục tăng, năm 2008 đạt 39.692,1 tấn đến năm 2017 sản lượng khai thác đạt mức 79.920,6 tấn (tốc độ tăng trưởng bình quân 8,09%/năm. Năng suất khai thác tương đối ổn định.
Cơ cấu tàu, thuyền chuyển dịch theo hướng phát triển tàu khai thác vươn khơi, giảm tỷ trọng tàu khai thác ven bờ. Nhóm tàu khai thác thủy sản ven bờ có công suất dưới 20 CV giảm đáng kể từ 2.897 chiếc (2008), giảm xuống 1.771 chiếc (2017). Nhóm tàu khai thác xa bờ công suất từ 90 CV trở lên tăng ổn định, năm 2008 (354 chiếc), đến năm 2017 (712 chiếc). Cơ cấu nghề nghiệp khai thác có tính chọn lọc cao (nghề lưới rê, nghề câu, nghề chụp mực); các nghề khai thác gây nguy hại nguồn lợi thủy sản có sự suy giảm đáng kể (xăm đáy, lồng bẫy, lưới kéo).
Như vậy, đội tàu khai thác vươn khơi đánh bắt thủy sản Hải Phòng phát triển khá mạnh cả về quy mô, năng lực và hiệu quả hoạt động. Tính đến tháng 9-2018, công suất đội tàu khai thác xa bờ của thành phố tăng nhanh. Năm 2008 tàu khai thác xa bờ chủ yếu công suất 90- 400 CV, cao nhất 630 CV, đến năm 2018 công suất tàu chủ yếu 250 – 600 CV, cao nhất lên tới trên 800 CV.
Số tàu khai thác xa bờ tập trung ở các địa phương trọng điểm khai thác thủy sản của thành phố như Đại Hợp (huyện Kiến Thụy); Ngọc Hải, Vạn Hương (quận Đồ Sơn); Phả Lễ, Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên). Song song với đó, ngư trường hoạt động tàu khai thác xa bờ có xu hướng vươn xa hơn. Từ năm 2010 trở về trước, tàu cá Hải Phòng chỉ hoạt động trong vùng ngư trường truyền thống Vịnh Bắc bộ, những năm gần đây, nhiều tàu khai thác xa bờ của thành phố mạnh dạn vươn ra ngoài vùng ngư trường Vịnh Bắc bộ.
Hiệu quả hoạt động đội tàu xa bờ tăng cao, nhất là các tàu nghề lưới rê, chụp mực. Từ năm 2015 đến nay hầu hết tàu khai thác xa bờ của thành phố đều hoạt động có hiệu quả cao, cho lợi nhuận từ 150 -400 triệu đồng/chuyến, cá biệt có tàu chụp mực cho lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/chuyến, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, giữa vững an ninh chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
– Những hạn chế đối với đội tàu khai thác thủy sản vươn khơi của Hải Phòng hiện nay là gì?
Nguồn nhân lực chuyên môn cho hoạt động khai thác thuỷ sản thành phố đang thiếu trầm trọng; mức độ trang bị cơ giới hóa, hiện đại hóa trên tàu khai thác còn hạn chế. Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển và đầu tư cho lĩnh vực khai thác thuỷ sản tuy đã được quan tâm, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vai trò, vị trí của lĩnh vực. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố cho các dự án khai thác thủy sản còn thấp, việc thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển khai thác thủy sản của thành phố còn chậm.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng các cảng cá tuy đã được đầu tư song do thiếu vốn, do điều chỉnh về quy mô kỹ thuật, điều kiện thời tiết không thuận lợi làm gián đoạn, kéo dài tiến độ thi công và đội vốn dự án. Một số cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão (Trân Châu, Đông Xuân, Quan Chánh) do đầu tư đã lâu, cơ sở hạ tầng, luồng lạch, trang thiết bị dịch vụ cảng xuống cấp không đáp ứng công năng khai thác nên không bảo đảm an toàn cho tàu ra vào neo đậu vận chuyển hàng hóa, nhất là tàu vỏ thép có công suất lớn đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
– Ngành NN-PTNT, thành phố có giải pháp gì để đội tàu khai thác thủy sản vươn khơi hoạt động tốt, tạo việc làm tăng thu nhập cho ngư dân?
Để khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển, thời gian tới, Ngành NN-PTNT Hải Phòng đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Quyết định 538/QĐ-UBND ngày 1-4-2016 của UBND thành phố về phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2016-2025, định hướng 2030; Quyết định số 2587/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Tập trung thực hiện Chương trình hành động số 6233/CTr-UBND ngày 1-10-2018 về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 7-6-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển kinh tế thủy sản, xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm nghề cá lớn của cá nước gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Về phía thành phố triển khai tốt chính sách hỗ trợ bảo hiểm đối với thuyền viên, tàu, đào tạo nâng cao nghiệp vụ khai thác, vận hành tàu cá cho ngư dân, nâng cấp cải hoán và trang bị hiện đại hóa tàu cá…Cùng với đó, tăng cường đầu tư nâng cấp, cải tạo phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo quy hoạch, bảo đảm đáp ứng yêu cầu tiếp nhận tàu thuyền khai thác, dịch vụ hậu cần thủy sản vào bốc dỡ trao đổi hàng hóa, neo đậu tránh trú bão an toàn trong các thời điểm thời tiết xấu. Chính sách pháp luật của nhà nước, của thành phố đối với hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó chú trọng tăng cường công tác quản lý toàn diện đối với tàu cá theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, khai thác không báo cáo, không theo quy định; Phát triển khai thác thủy sản theo Ngành NN-PTNT tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách pháp luật tới ngư dân. Chú trọng công tác tập huấn, đào tạo nghề cho ngư dân để nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng nắm bắt và vận hành các trang thiết bị cơ giới hóa, tự động hóa trong hoạt động thủy sản, đáp ứng yêu cầu của nghề cá hiện đại.
– Xin trân trọng cảm ơn đồng chí !
TIẾN ĐẠT thực hiện – Báo Hải Phòng 15/11/2018